Giới khoa học giải mã được bí mật ngôn ngữ của gấu trúc

Các nhà khoa học Trung Quốc đã giải mã ra được bí mật ngôn ngữ của gấu trúc lớn, mở ra nhiều cơ hội bảo tồn loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng này.
Giới khoa học giải mã được bí mật ngôn ngữ của gấu trúc ảnh 1Gấu trúc Bao Bao tại Vườn thú Quốc gia ở Washington DC, Mỹ. (Nguồn: ibtimes)

Các nhà khoa học Trung Quốc đã giải mã ra được bí mật ngôn ngữ của gấu trúc lớn, mở ra nhiều cơ hội bảo tồn loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng này.

Nhóm nghiên cứu tới từ Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Gấu trúc lớn (CCRCGP) đã tìm ra hơn 10 loại âm thanh mà gấu trúc lớn sử dụng để nói những câu như “Tôi yêu bạn,” “Tôi đang đói” và “Đi chỗ khác đi.”

Hiện nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch phát triển một công cụ phiên dịch “Tiếng gấu trúc,” sử dụng công nghệ nhận biết giọng nói để hiểu được những con gấu đang giao tiếp gì với nhau.

Quá trình nghiên cứu ngôn ngữ của loài gấu trúc lớn đã kéo dài suốt 5 năm qua. Các nhà nghiên cứu đã ghi lại âm thanh do gấu trúc đực và cái trưởng thành cùng gấu trúc con phát ra trong nhiều tình huống khác nhau.

Kênh Tân Hoa Xã cho biết, nhóm nghiên cứu đã phiên dịch được 13 loại âm thanh khác nhau của gấu trúc. Dựa trên những âm thanh gấu trúc phát ra trong các hoạt động như ăn uống, gây lộn hay giao phối, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra khi gấu trúc con kêu “gee-gee” có nghĩa là chúng đang đói. Khi chúng kêu “wow-wow” nghĩa là chúng không vui, và “coo-coo” nghĩa là tốt hoặc tuyệt vời.

Giám đốc CCRCGP Zhang Hemin cho biết: “Chúng tôi đã giải mã được một số ngôn ngữ của loài gấu trúc, và kết quả khá là thú vị. Gấu trúc đực thường sống một mình, do đó chúng chỉ học ngôn ngữ duy nhất từ mẹ của chúng. Nếu một con gấu mẹ liên tục kêu lên âm thanh như tiếng chim, nó đang lo lắng cho con non. Khi gấu mẹ gầm lớn nghĩa là có kẻ lạ mặt đang đến gần.”

Giám đốc Zhang giải thích tiếng gầm có nghĩa là “đi chỗ khác đi.” Khi cần bày tỏ tình cảm, gấu đực sẽ kêu lên “baa,” trong khi gấu cái đáp lại bằng âm thanh như tiếng chim liếp chiếp. Những âm thanh này khiến các nhà nghiên cứu rất bất ngờ.

“Ban đầu chúng tôi rất bối rối vì không biết mình đang nghiên cứu tiếng gấu trúc, tiếng chim, tiếng chó hay tiếng cừu nữa. Nhưng nếu hiểu được ngôn ngữ của gấu trúc, chúng tôi sẽ có nhiều cơ hội để bảo tồn chúng hơn, nhất là trong môi trường hoang dã”, giám đốc Zhang chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục