Bác bỏ đề xuất tăng vốn

Giới ngân hàng châu Âu bác bỏ đề xuất tăng vốn

Giới ngân hàng ở châu Âu đã lên tiếng "phản pháo" đề xuất cấp thêm vốn để bù đắp rủi ro khủng hoảng nợ công của Tổng Giám đốc IMF.
Giám đốc hai ngân hàng hàng đầu châu Âu là Deutsche Bank và BNP Paribas đã "phản pháo" đề xuất các ngân hàng châu Âu cần được tái cấp vốn để bù đắp những rủi ro liên quan tới cuộc khủng hoảng nợ công mà Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde, mới đưa ra.

Trả lời phỏng vấn tuần báo Der Spiegel, bà Lagarde cho rằng các ngân hàng châu Âu cần có thêm vốn để có đủ tiềm lực tài chính chống chọi với các nguy cơ liên quan tới cuộc khủng hoảng nợ và tăng trưởng yếu. Đó cũng là cách ngăn ngừa sự lây lan của cuộc khủng hoảng nợ công.

Ngay sau đó, phát biểu tại Hội thảo hai ngày với chủ đề "Các ngân hàng trong thời kỳ quá độ" tại Frankfurt, ông Josef Ackermann, giám đốc Ngân hàng Deutsche Bank hàng đầu của Đức, khẳng định đề xuất đó không thực tế bởi nó đánh đi tín hiệu rằng bản thân các chính trị gia không tin vào các biện pháp đang được triển khai để vực dậy các nước Eurozone đang ốm yếu. Không những thế, đề xuất đó là "phản tác dụng" bởi đã thổi phồng cuộc khủng hoảng nợ trong Eurozone và gây tâm lý hoảng sợ cho giới đầu tư.

Chủ tịch Ngân hàng Pháp BNP Paribas, Michel Pebereau, cũng lên tiếng: "Rõ ràng là hệ thống ngân hàng châu Âu không cần huy động thêm vốn."

Đáng tiếc là khi tranh luận nổ ra, cổ phiếu của khối ngân hàng lại sụt khá nhanh với cổ phiếu của Deutsche Bank giảm 8,86% xuống 23,72 euro/cổ phiếu, kéo theo chỉ số DAX của Đức sụt 5,28% xuống chốt phiên 5/9 ở mức thấp trong hai năm qua là 5.246,18 điểm.

Còn tại Paris, cổ phiếu của BNP Paribas để mất 6,34% xuống 31,30 euro/cổ phiếu, khiến chỉ số CAC 40 lùi về 2.999,54 điểm, giảm 4,73%.

Trong một thông tin khác có liên quan số liệu thống kê cho thấy trong ngày 2/9 các ngân hàng Eurozone đã gửi tới 151 tỷ euro qua đêm vào Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), con số kỷ lục từ trước tới nay. Đây là tín hiệu cho thấy các ngân hàng tỏ ra thận trọng trong hoạt động cho vay trên thị trường liên ngân hàng, bất chấp tiền gửi thanh toán tại ECB chỉ có lãi suất 0,75%, thấp hơn nhiều so với lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.

Ông Jean-Claude Trichet, Chủ tịch ECB và ông Mario Draghi, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italia và sẽ là người kế nhiệm ông Trichet vào cuối năm nay, đã kêu gọi chính phủ các nước châu Âu sớm hoàn tất kế hoạch góp vốn vào quỹ cứu trợ khu vực, động thái giúp giảm nhẹ gánh nặng mua trái phiếu chính phủ của ECB.

Trong bối cảnh một số nước trong Eurozone đang trì hoãn việc thực thi các cuộc cải cách Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF), hai nhà lãnh đạo cảnh báo rằng bất cứ sự trì hoãn nào cũng sẽ làm cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone thêm tồi tệ./.

Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục