Giới thiệu kỷ yếu về hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ

Kỷ yếu Hội thảo khoa học với chủ đề “Sự kiện Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước: Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại" tái hiện đầy đủ hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ.
Giới thiệu kỷ yếu về hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ ảnh 1Kỷ yếu 'Sự kiện Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước: Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại' được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Ngày 17/12, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo giới thiệu đến công chúng những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, chuyên gia thông qua Kỷ yếu Hội thảo khoa học với chủ đề “Sự kiện Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước: Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại."

Ban tổ chức nhận được 128 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trong cả nước gửi tới hội thảo.

Đó là những bài viết chất lượng, thể hiện quá trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc của các tác giả. Tuy nhiên, để đánh dấu ý nghĩa đặc biệt của sự kiện kỷ niệm 110 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước, Ban Tổ chức quyết định lựa chọn 110 bài trong tổng số các bài tham luận để xuất bản kỷ yếu.

Đây là món quà tri ân, thể hiện tấm lòng kính yêu, biết ơn vô hạn của cơ quan đồng tổ chức cũng như các nhà nghiên cứu kính dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

[Lãnh đạo TP.HCM dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh]

Theo tiến sỹ Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, cuốn kỷ yếu gần 1.000 trang, tái hiện một cách chân thực, đầy đủ hành trình tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành-Hồ Chí Minh, ý nghĩa của sự kiện với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các tham luận có hàm lượng khoa học cao, cung cấp thêm nhiều luận chứng, luận cứ, bổ sung nguồn tư liệu mới có giá trị, làm sâu sắc thêm những vấn đề có liên quan đến 4 chủ đề chính: “Từ thành phố này Người đã ra đi," "Hành trình tìm đường cứu nước," “Người đi tìm hình của nước” và “Hồ Chí Minh sống mãi."

Ông Trần Thế Thuận, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thực tế lịch sử đã chứng minh, sự kiện ngày 5/6/1911 là sự mở đầu cho một hành trình vĩ đại, vô cùng gian lao, quả cảm và sáng tạo khi đi tìm chân lý, con đường giải phóng cho dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sự kiện đó đã đi vào lịch sử Việt Nam như một dấu mốc quan trọng, đánh dấu thời kỳ lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, mở ra cuộc hành trình của toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng, kiên cường đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, thống nhất non sông, vững bước đi lên, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi dừng chân trong khoảng thời gian không dài, song đây lại là nơi có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước của Người.

Trên hành trình đó, Người có điều kiện tìm hiểu, tiếp thu văn hóa phương Tây, nhiều nước khác nhau trên thế giới.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa là di sản có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn. Hiện, việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa vào xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ở Việt Nam là rất cần thiết, đặc biệt đối với Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2021 - năm kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (1911-2021), kỷ niệm 45 năm Ngày thành phố Sài Gòn-Gia Định chính thức và vinh dự được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (1976-2021).

Việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là hoạt động góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XI về việc “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục