Vụ một học sinh thiệt mạng vì bị tàu cán tại Ninh Bình một lần nữa lại gióng lên hồi chuông báo động về an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ.
Như tin đã đưa, ngày 25/4, em Đặng Văn Minh, học sinh lớp 10B Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (thành phố Ninh Bình) trên đường đạp xe đi học đã bị tàu hỏa cán chết.
Bạn học đi cùng là em Đặng Thị Biền bị chấn thương sọ não nặng đang cấp cứu tại bệnh viên.
Ngay sau đó, lãnh đạo ngành giáo dục, trường Trần Hưng Đạo đã đến gia đình em Minh để động viên, chia sẻ. Trong căn nhà nhỏ, bố mẹ Minh ôm di hài con khóc cạn nước mắt, ngất lịm đi nhiều lần. Mọi người đến chia buồn đều cảm thấy xót xa trước sự ra đi của cậu học trò nhỏ.
Minh là học sinh khá, tham gia nhiều hoạt động của trường. Còn Biền, hiện đang nằm cấp cứu trong bệnh viện, là học sinh giỏi của trường. Cả hai em luôn gương mẫu và được bạn bè quý mến.
Ông Nguyễn Văn Tuyến (ông ngoại Minh) gạt nước mắt nghẹn ngào nói, sự việc xảy đến quá bất ngờ, quá sức chịu đựng với gia đình. Ông ước giá như tại đoạn đường ấy có người gác, ngăn không cho các em học sinh và người dân đi qua khi tàu chuẩn bị tới thì đã đứa cháu ngoan của mình không phải ra đi trong đau đớn như thế.
Thầy Lê Văn Lý, Hiệu trưởng trường Trần Hưng Đạo cho biết, vị trí của nhà trường chỉ cách đường Quốc lộ 1A chừng 30 mét. Trong khi đó có khoảng hơn 20% số học sinh của nhà trường ở các xã, phường như: Ninh An, Ninh Phong, Ninh Phúc và Ninh Sơn khi đến trường phải đi qua các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Vì vậy việc học sinh đi lại trên tuyến đường này luôn hết sức nguy hiểm.
Nhà trường rất chú trọng phối hợp với các đơn vị cảnh sát giao thông nhằm giáo dục, tuyên truyền về an toàn giao thông bằng các hình thức nói chuyện tập trung qua các buổi chào cờ đầu tuần, các tiết sinh hoạt lớp. Các thầy cô trong quá trình giảng dạy các môn học chuyên đề như Vật lý cũng đã phân tích những hiểm họa nếu đứng quá gần đường sắt sẽ có thể bị lực hút của tàu cuốn vào gây nguy hiểm.
Tại khu vực này, các phương tiện qua lại với lưu lượng rất đông, ở điểm giao cắt lại không có đèn tín hiệu, trong khi đó, một số các em học sinh vẫn còn chủ quan, thiếu quan sát khi qua đường.
Qua tai nạn thương tâm trên, thầy Lý cũng như nhiều người dân ở gần khu vực này đề xuất, ngành đường sắt và các cơ quan chức năng cần khảo sát để lắp đặt thêm các biển cảnh báo có trường học, chợ, khu dân cư đông người; lập các barie và cần có người canh gác, hướng dẫn phương tiện ở các vị trí trọng yếu, có đông người và phương tiện qua lại để hạn chế tai nạn xảy ra./.
Như tin đã đưa, ngày 25/4, em Đặng Văn Minh, học sinh lớp 10B Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (thành phố Ninh Bình) trên đường đạp xe đi học đã bị tàu hỏa cán chết.
Bạn học đi cùng là em Đặng Thị Biền bị chấn thương sọ não nặng đang cấp cứu tại bệnh viên.
Ngay sau đó, lãnh đạo ngành giáo dục, trường Trần Hưng Đạo đã đến gia đình em Minh để động viên, chia sẻ. Trong căn nhà nhỏ, bố mẹ Minh ôm di hài con khóc cạn nước mắt, ngất lịm đi nhiều lần. Mọi người đến chia buồn đều cảm thấy xót xa trước sự ra đi của cậu học trò nhỏ.
Minh là học sinh khá, tham gia nhiều hoạt động của trường. Còn Biền, hiện đang nằm cấp cứu trong bệnh viện, là học sinh giỏi của trường. Cả hai em luôn gương mẫu và được bạn bè quý mến.
Ông Nguyễn Văn Tuyến (ông ngoại Minh) gạt nước mắt nghẹn ngào nói, sự việc xảy đến quá bất ngờ, quá sức chịu đựng với gia đình. Ông ước giá như tại đoạn đường ấy có người gác, ngăn không cho các em học sinh và người dân đi qua khi tàu chuẩn bị tới thì đã đứa cháu ngoan của mình không phải ra đi trong đau đớn như thế.
Thầy Lê Văn Lý, Hiệu trưởng trường Trần Hưng Đạo cho biết, vị trí của nhà trường chỉ cách đường Quốc lộ 1A chừng 30 mét. Trong khi đó có khoảng hơn 20% số học sinh của nhà trường ở các xã, phường như: Ninh An, Ninh Phong, Ninh Phúc và Ninh Sơn khi đến trường phải đi qua các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Vì vậy việc học sinh đi lại trên tuyến đường này luôn hết sức nguy hiểm.
Nhà trường rất chú trọng phối hợp với các đơn vị cảnh sát giao thông nhằm giáo dục, tuyên truyền về an toàn giao thông bằng các hình thức nói chuyện tập trung qua các buổi chào cờ đầu tuần, các tiết sinh hoạt lớp. Các thầy cô trong quá trình giảng dạy các môn học chuyên đề như Vật lý cũng đã phân tích những hiểm họa nếu đứng quá gần đường sắt sẽ có thể bị lực hút của tàu cuốn vào gây nguy hiểm.
Tại khu vực này, các phương tiện qua lại với lưu lượng rất đông, ở điểm giao cắt lại không có đèn tín hiệu, trong khi đó, một số các em học sinh vẫn còn chủ quan, thiếu quan sát khi qua đường.
Qua tai nạn thương tâm trên, thầy Lý cũng như nhiều người dân ở gần khu vực này đề xuất, ngành đường sắt và các cơ quan chức năng cần khảo sát để lắp đặt thêm các biển cảnh báo có trường học, chợ, khu dân cư đông người; lập các barie và cần có người canh gác, hướng dẫn phương tiện ở các vị trí trọng yếu, có đông người và phương tiện qua lại để hạn chế tai nạn xảy ra./.
Văn Đạt-Thu Hà (Vietnam+)