Gốm Chăm: Sự mộc mạc mang tâm hồn của làng nghề trăm năm tuổi

Nghề gốm là một trong hai nghề lâu đời nhất của ngươi dân tộc Chăm tại Ninh Thuận. Nhiều năm trở lại đây, nghề cổ truyền này đã trở thành một nét văn hoá đặc sắc, thu hút khách du lịch.

Khác với nghề làm gốm ở nhiều nơi, gốm Bàu Trúc của người Chăm tại Phan Rang-Ninh Thuận không dùng bàn xoay để tạo hình mà hoàn toàn dùng bàn tay khéo léo, tỷ mỷ của các nghệ nhân. Nói về cách làm gốm Bàu Trúc, nhiều người ví vui rằng: “Đây là nghề làm bằng tay mà xoay bằng chân.”

Thật vậy, mỗi nghệ nhân làm gốm Bàu Trúc dù chẳng đi đâu xa nhưng đều là cuộc hành trình vạn bước chân mỗi ngày. Những khối đất sét cứ dần theo những bước chân ấy mà trở thành đồ vật...

Có thể nói, gốm Bàu Trúc thể hiện giá trị dân tộc cốt lõi không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Chăm. Đó là lý do vì sao mà gốm Bàu Trúc được xem là một bảo tàng sống chân thực của Ninh Thuận. Nghệ thuật chế tác gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, để tôn vinh hơn những giá trị truyền thống của ngôi làng nghề được xem là cổ nhất Đông Nam Á này.

(Vietnam+)