Đội Cảnh sát giao thông số 5 (Công an Thành phố Hà Nội) có địa bàn làm nhiệm vụ bao gồm một phần cầu Chương Dương, đây cũng là lý do khiến đơn vị này, ngoài nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự an toàn giao thông, còn kiêm luôn một nhiệm vụ bất đắc dĩ khác: cứu người nhảy cầu. Thậm chí, đôi khi, các chiến sỹ của đơn vị còn phải đóng vai trung gian hòa giải chuyện gia đình…
Điển hình như mới đây, vào 8 giờ 45 phút ngày 7/9, tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông số 5 gồm đại uý Nguyễn Thành Trung và thượng uý Nguyễn Ngọc Hải đang trực tại phía Bắc cầu Chương Dương nhận được tin báo có 1 người phụ nữ dừng xe giữa cầu theo hướng từ Hoàn Kiếm sang Long Biên có ý định tự tử. Ngay lập tức, chỉ huy tổ công tác lập tức tổ chức đội hình, tới địa điểm trên để giải quyết sự cố.
Thời điểm trên, mật độ giao thông trên cầu Chương Dương vẫn khá đông, đại úy Trung và thượng úy Hải phải chạy bộ khá xa để tiếp cận hiện trường. Rất may, khi vừa tới nơi, 2 cán bộ Cảnh sát giao thông phát hiện người phụ nữ đang trèo lên lan can, định gieo mình xuống sông, vội áp sát và ngăn chặn được hành động này.
Dù đã được đưa về chốt an toàn, nhưng người phụ nữ (tên là H) vẫn khóc lóc, một mực đòi tự tử với lý do buồn chán chuyện gia đình. Kể cả ngay sau đó, đơn vị xác định được nhân thân và liên hệ gia đình chị này ở huyện Gia Lâm, đưa con trai chị tới để khuyên giải, “quyết tâm” của người phụ nữ vẫn không thay đổi.
Cuối cùng, chỉ khi người chồng lên đón, cộng với nỗ lực khuyên giải của các cán bộ chiến sỹ, chị H mới chịu từ bỏ ý định, trở về với gia đình.
Nhiều năm qua, 2 cây cầu Long Biên và Chương Dương là địa điểm nhiều người dân “cạn nghĩ” tới để gieo mình tự tử. Cao điểm như tháng 6/2015, trong vòng 1 ngày có tới 4 vụ nhảy cầu chỉ riêng trên cầu Chương Dương. Lực lượng cảnh sát giao thông quản lý địa bàn 2 cây cầu này đã bất đắc dĩ sắm vai cứu hộ, ngoài kịp thời tham gia khuyên giải người dân, không ít lần, các cán bộ chiến sỹ tham gia cùng các lực lượng tìm kiếm nạn nhân xấu số.