Nhằm bảo đảm an toàn cho người, tài sản tại các nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D trước mùa mưa bão, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, rà soát, phân loại và lập danh mục những công trình chung cư cũ trên địa bàn.
Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã đặc biệt quan tâm, chú trọng đối với khu chung cư cũ nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho việc sử dụng; chủ động xây dựng, phê duyệt kế hoạch, phương án thực hiện việc phòng, chống đổ sập nhà, công trình, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đồng thời, tổ chức sơ tán người, tài sản ra khỏi những khu vực không an toàn trước khi bão, lũ, úng ngập xảy ra nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và người sử dụng.
[Chủ đầu tư chậm đề xuất ý tưởng cải tạo chung cư cũ sẽ bị dừng]
Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã cũng chỉ đạo ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương triển khai việc kiểm tra bảo đảm an toàn đối với những khu dân cư, đặc biệt lưu ý công trình nhà xuống cấp, hư hỏng; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, khi cần thiết phải có biện pháp và tổ chức di dời ngay các hộ dân, tài sản ra khỏi công trình nguy hiểm.
Đối với nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D có nguy cơ sập đổ, phải di dời ngay, hiện trên địa bàn thành phố còn 5 nhà đang tổ chức di dời gồm 1 nhà tại quận Đống Đa, 4 nhà tại quận Ba Đình.
Do đó, thành phố đã bố trí đủ quỹ nhà tạm cư để phục vụ di dời và đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các quận Đống Đa, Ba Đình khẩn trương tổ chức tuyên truyền, vận động và tổ chức di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, chủ sử dụng ra khỏi nhà chung cư cũ để bảo đảm an toàn. Song, tại thời điểm này, các địa phương trên vẫn chưa hoàn thành việc di dời.
Để bảo đảm an toàn cho người, tài sản tại nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D trước mùa mưa bão, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận Đống Đa, Ba Đình khẩn trương tổ chức tuyên truyền, vận động và tổ chức di dời các chủ sở hữu, chủ sử dụng nhà chung cư theo chỉ đạo của thành phố; đồng thời kiểm tra, rà soát chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D để xây dựng phương án và tổ chức di dời, tạm cư, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản.
Nhiều năm qua, mặc dù việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô đã được các cấp, các ngành thành phố Hà Nội tích cực chỉ đạo, nhưng trước những vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay tiến độ thực hiện vẫn còn quá chậm, số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng lại còn quá ít chỉ đạt khoảng 1%.
Đáng chú ý, có nhiều dự án đã quyết định đầu tư nhưng việc triển khai tư vấn lập quy hoạch rất chậm trễ, không đạt yêu cầu đã đặt ra.
Theo thống kê, toàn thành phố hiện có gần 1.580 chung cư cũ; trong đó, phần lớn xuống cấp, hư hỏng, thậm chí có một số khu nhà thuộc diện chỉ đạo phải di dời khẩn cấp vì có thể sụp đổ bất cứ lúc nào gây nguy hiểm đến tính mạng con người và tài sản của người dân.
Cụ thể, với hơn 1.200 công trình đã được đơn vị chức năng khảo sát thì có tới 325 công trình ở tình trạng nguy hiểm, hư hỏng có thể dẫn đến phá hủy kết cấu (mức 3); 691 công trình ở tình trạng hư hỏng làm giảm khả năng chịu lực, ảnh hưởng đến quá trình sử dụng (mức 2); 145 công trình còn đáp ứng yêu cầu sử dụng (mức 1)...
Sau khi khảo sát, Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội dự kiến tổ chức kiểm định chi tiết 951 công trình thuộc mức 3 và mức 2.
Trong số 480 công trình là các chung cư cũ, biệt thự, trụ sở cơ quan, công trình công cộng trực thuộc Hà Nội xuống cấp có 33 công trình là các nhà tập thể, chung cư cũ, xuống cấp nguy hiểm, cần kiểm định chi tiết ngay.
Do vậy, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận cho phép thực hiện khảo sát kiểm định với mức kinh phí khoảng 8 tỷ đồng nhưng từ năm 2019 đến nay, vẫn chưa có nguồn kinh phí để thực hiện.
Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, Hà Nội đã kêu gọi xã hội hóa và hiện đã có 19 nhà đầu tư được thành phố chấp thuận đề xuất tự bỏ kinh phí triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo khoảng 30 khu chung cư cũ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, việc triển khai này vẫn đang vướng mắc về cơ chế, chính sách cần có sự vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp./.