Trên cơ sở đó, thành phố sẽ phân loại đánh giá thực trạng các cơ sở nhà đất, số lượng hợp đồng thuê nhà; dừng ký hợp đồng thuê mới với các cơ sở sử dụng nhà đất không hiệu quả, sử dụng sai mục đích, vi phạm các quy định về quản lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có gần 1.100 địa điểm nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước được thành phố Hà Nội cho hơn 800 doanh nghiệp, đơn vị thuê lại với tổng diện tích gần 190.000m2.
Mặc dù theo quy định, doanh nghiệp thuê nhà của nhà nước không được phép cho thuê lại, nếu dùng mặt bằng liên doanh liên kết với các đơn vị khác thì phải được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền cho thuê. Tuy nhiên, trên thực tế có hàng trăm trường hợp nhà đất không sử dụng mà tự ý cho thuê lại với giá cao gấp nhiều lần để hưởng lợi, trong khi giá thuê của nhà nước chỉ từ 100.000đồng đến 120.000 đồng/m2.
Đối với nhiều vị trí nhà mặt phố có giá trị thương mại cao ở khu vực Hồ Gươm, Hàng Gai, khu phố cổ, khu Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt hoặc thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa thì mức giá này quá thấp so với thị trường.
Trước thực trạng bất hợp lý đó, Sở Xây dựng đề xuất chuyển đổi thành công sở hữu nhà nước 284 địa điểm; chuyển nhượng toàn bộ 380 địa điểm; tiếp tục quản lý cho thuê tại 158 địa điểm và phát triển mở rộng quy mô tại 100 địa điểm. Riêng đối với 143 địa điểm đang có vi phạm, khiếu kiện khác, đơn vị chức năng sẽ xác minh, xử lý cụ thể.
Theo đề xuất của Sở Tài chính Hà Nội, đối với các cơ sở nhà đất nhỏ lẻ, xen lẫn với nhà dân có diện tích dưới 50m2 đề nghị xử lý thu hồi bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thị trường thông qua đấu giá; thu hồi và bán đấu giá các cơ sở nhà đất khác sử dụng không đúng mục đích, sử dụng kém hiệu quả, bị lấn chiếm. Về mức giá thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, Sở Tài chính cho rằng, cần căn cứ theo giá thị trường và những hợp đồng thuê nhà đã hết hạn trong năm 2012 phải thực hiện theo cơ chế đấu thầu để đảm bảo công khai, minh bạch./.