Hà Nội quyết tâm xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo

Theo báo cáo tổng hợp của 29 quận, huyện, thị xã, toàn thành phố Hà Nội hiện còn hơn 530 trường hợp đất và nhà siêu mỏng, siêu méo.

Theo đề án của các ban ngành liên quan trên địa bàn Thủ đô, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp chặt chẽ để có thể tiến hành xử lý triệt để các nhà siêu mỏng, siêu méo, hoàn tất xử lý trước 30/6 năm nay. Riêng với địa bàn Thanh Xuân sẽ giải quyết dứt điểm trước ngày 15/4.


Theo báo cáo tổng hợp của 29 quận, huyện và thị xã, toàn thành phố Hà Nội hiện còn hơn 530 trường hợp đất và nhà siêu mỏng, siêu méo.

Trong số đó có 200 trường hợp tồn tại trước khi Quyết định số 26/2005/QĐ-UB có hiệu lực, gần 190 trường hợp hình thành sau Quyết định số 26/2005/QĐ- UB và gần 150 trường hợp còn lại vẫn chưa xác định được thời điểm hình thành. Các phố có nhiều nhà siêu mỏng, siêu méo như Xã Đàn, Lê Trọng Tấn ở Hà Đông, Lê Văn Lương kéo dài, đường 32…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên như “nấm,” trong đó phải kể đến công tác quy hoạch xây dựng, nhất là quy hoạch chi tiết còn thiếu; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội giữa các dự án phát triển đô thị và khu dân cư không đồng bộ; chưa có cơ chế chính sách cụ thể trong đền bù đối với các trường hợp nhà, đất có kích thước không hợp lý; giá trị đất tăng cao sau mở đường nên một số người dân đã cố tình vi phạm để cải tạo, xây dựng. Trong khi đó, lực lượng thanh tra xây dựng và chính quyền ở một số địa phương đã buông lỏng quản lý, yếu kém về trình độ năng lực….

Khắc phục hậu quả

Đề cập đến các giải pháp và thời gian triển khai xử lý các trường hợp tồn tại, Sở Xây dựng cho biết đối với các trường hợp đất (công trình xây dựng trên đất nếu có) không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng phát sinh trước ngày Quyết định 26/2005 có hiệu lực, Sở Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương chủ trì phối hợp với các sở: Quy hoạch kiến trúc, Xây dựng, Tài chính và Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng hoàn thành văn bản quy định thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục, biện pháp xử lý trình Ủy ban Nhân dân thành phố trước ngày 30/3 tới.

Đối với các trường hợp đất và công trình xây dựng trên đất (nếu có) không đủ điều kiện về mặt bằng để xây dựng phát sinh sau ngày Quyết định số 26/2005, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã phải chủ động xây dựng và thực hiện phương án xử lý theo quy định, hoàn thành xử lý trước 30/6 năm nay. Riêng các trường hợp trên địa bàn quận Thanh Xuân phải tổ chức xử lý dứt điểm trước ngày 15/4 tới.

Thành phố cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Sở Kế hoạch-Đầu tư phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung rà soát, đề xuất bổ sung quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, quy định về quản lý dự án đầu tư (đối với trường hợp thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường giao thông), đảm bảo nguyên tắc khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án phải có quy hoạch hai bên tuyến đường kèm theo; tổ chức công bố chỉ giới đường; đồng thời với công bố quy hoạch hai bên tuyến đường để nhân dân, chính quyền địa phương biết và tổ chức quản lý...

Ông Thọ cũng cho biết thêm kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và quỹ nhà tái định cư đối với diện tích nhà đất phát sinh trước khi Quyết định 26 có hiệu lực tương đối lớn, ước tính hàng trăm tỷ đồng. Riêng quận Ba Đình, với 12 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, dự kiến kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng gần 60 tỷ đồng.

Chủ động từ khâu quy hoạch

Theo ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc xử lý các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo hiện nay đang ở trạng thái khắc phục hậu quả. Để giải quyết triệt để nguyên nhân phát sinh, giải pháp hữu hiệu nhất là phải chủ động ngăn ngừa hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo ngay từ khi quy hoạch mở đường.

Về vấn đề này, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có chủ trương “chỉ xem xét, phê duyệt khi có quy hoạch hai bên tuyến đường kèm theo đối với các dự án đầu tư xây dựng đường giao thông mới.”

Đối với việc xây dựng nhà ở của nhân dân hai bên tuyến đường, lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị trên phải giải quyết trường hợp đất không đủ điều kiện xây dựng trên các tuyến đường mới mở.

Trong thời gian tới, để tăng cường việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, Sở Xây dựng kiến nghị Thành ủy ban hành Nghị quyết về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực trật tư xây dựng, bao gồm việc xử lý nhà siêu mỏng và siêu méo, nhằm phát huy tính chủ động trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động quản lý; huy động sức mạnh của hệ thống chính trị địa phương vào công tác quan trọng này./.

Minh Nghĩa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục