Hà Nội xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã xây dựng được 63 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, rộng 5.815ha tại 11 huyện ngoại thành.
Hà Nội xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao ảnh 1(Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội đã xây dựng được 63 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, với quy mô 5.815ha tại 11 huyện ngoại thành.

Hà Nội đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa chất lượng cao, quy mô lớn giúp người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, địa phương đang xây dựng 2 nhãn hiệu mang thương hiệu lúa gạo hàng hóa chất lượng cao.

Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, năng suất các mô hình lúa chất lượng cao vụ Xuân năm 2014 ước đạt 5,1 - 5,4 tấn/ha, sản lượng là 15.000 - 16.000 tấn, với tổng giá trị 156 tỷ đồng.

Từ thành công trên, vụ Mùa năm 2014, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội xây dựng thêm 25 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 11 huyện ngoại thành với quy mô 2.705ha. Mỗi vùng sản xuất tập trung đăng ký từ 1-2 giống để đảm bảo chất lượng cũng như khả năng chăm sóc.

Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai; xây dựng nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp đô thị bền vững.

Ngoài ra, chương trình tạo các mô hình điểm tiêu biểu để cán bộ, nhân dân học tập và phát triển. Trong thời gian tới, giá trị sản xuất của lúa chất lượng cao đạt từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội phối hợp và phòng kinh tế các huyện triển khai Đề án phát triển cây ăn quả giá trị kinh tế cao. Từ đó, các địa phương lựa chọn, xây dựng vùng cây ăn quả với 15 mô hình trồng, thâm canh, chăm sóc tại 11 xã, hợp tác xã với quy mô 279ha.

Trung tâm đã phối hợp với phòng kinh tế các huyện chọn lựa và triển khai xây dựng mô hình sản xuất, tiêu thụ chè an toàn tại một số xã thuộc huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Quốc Oai với quy mô 220 ha.

Trung tâm kết hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả, chè theo hướng VietGap, xúc tiến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục