Hà Nội xin cơ chế triển khai tuyến ống dẫn khẩn cấp nước sạch

Hà Nội gửi công văn đề nghị xem xét, chấp thuận cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để triển khai xây dựng tuyến ống dẫn khẩn cấp nước sạch từ Quốc lộ 21 đến đường Vành đai 3.
Hà Nội xin cơ chế triển khai tuyến ống dẫn khẩn cấp nước sạch ảnh 1Sản xuất nước sạch ở Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội. (Ảnh : Bùi Tường/TTXVN)

Ngày 1/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế đặc thù để triển khai xây dựng tuyến ống dẫn khẩn cấp nước sạch từ Quốc lộ 21 đến đường Vành đai 3.

Công văn do Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký nêu rõ thời gian qua, tuyến ống truyền tải nước sạch từ Nhà máy nước mặt sông Đà cung cấp nước cho thành phố Hà Nội liên tục xảy ra sự cố vỡ, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Theo Quy hoạch hệ thống cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 499/QĐ- TTg ngày 21/3/2013, Nhà máy nước mặt sông Đà được xác định với công suất 600.000 m3/ngày đêm đến năm 2020; 1.200.000 m3/ngày đêm đến năm 2030 và đạt công suất 1.500.000 m3/ngày đêm đến năm 2050.

Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 1 có công suất 300.000 m3/ngày đêm được Tổng công ty Vinaconex đầu tư và đưa vào khai thác từ tháng 3/2009 (đã cập nhật trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), hiện cung cấp khoảng 240.000 m3/ngày đêm phục vụ trên 1 triệu người dân khu vực nội đô Hà Nội thông qua duy nhất tuyến đường ống số 1 bằng cốt sợi thủy tinh với đường kính D=1200-1800.

Từ năm 2012 đến nay, tuyến truyền dẫn trên đã xảy ra 15 lần sự cố vỡ ống (địa điểm xảy ra sự cố tập trung trên đoạn tuyến từ Quốc lộ 21 về xã Ngọc Liệp thuộc Km11+100 đến Km37+000 trên Đại lộ Thăng Long).

Mỗi lần tuyến ống dẫn cấp nước sông Đà xảy ra sự cố, phải tạm dừng việc cấp nước để sửa chữa khắc phục đã gây ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân tại nhiều khu vực nội đô (thường từ 2-4 ngày).

Mặc dù hiện nay đã giảm áp lực và lưu lượng cấp nước nhưng đường ống trên không đảm bảo, vẫn tiếp tục xảy ra vỡ ống, tần suất ngày càng tăng.

Đặc biệt sự cố lần thứ 13 vào ngày 13/8, lần thứ 15 vào ngày 25/9 với thời gian khắc phục phải mất 48 tiếng đã gây mất nước sinh hoạt kéo dài trên diện rộng tại nhiều quận: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Đống Đa, Cầu Giấy...

Theo đánh giá nhận định của các đơn vị quản lý, nguy cơ xảy ra sự cố vỡ ống còn tiềm ẩn ở mức cao và khó kiểm soát, dẫn đến rất khó khăn trong việc đảm bảo cung cấp nước phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân, hoạt động của các cơ quan, bệnh viện, trường học và là nguy cơ có thể xuất hiện dịch bệnh liên quan đến nguồn nước và môi trường.

Hiện nay Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex thuộc Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng (Vinaconex) đang chuẩn bị triển khai xây dựng tuyến ống dẫn số 2 để đáp ứng nhu cầu theo quy hoạch đến năm 2020 là 600.000 m3/ngày đêm, đồng thời trước mắt để hỗ trợ tuyến truyền dẫn số 1 cung cấp ổn định nước sạch. Tuy nhiên đến nay, công trình chưa khởi công và chưa thể khẳng định được thời gian hoàn thành.

Trước tình hình trên, thời gian qua thành phố Hà Nội đã chủ động các giải pháp ứng phó như điều tiết cấp nước theo giờ, theo khu vực, hỗ trợ một phần nước sạch từ nguồn hiện có theo cơ chế mạng vòng. Song, không tránh khỏi sự ảnh hưởng rất lớn đến đời sống nhân dân. Mặt khác, về lâu dài cũng sẽ không giải quyết được tình trạng hiện nay.

Để chủ động, kịp thời đảm bảo an ninh nguồn nước thời gian tới, thành phố Hà Nội dự kiến xây dựng cấp bách tuyến ống dẫn từ Quốc lộ 21 về đường Vành đai 3 với công suất khoảng 60.000-70.000 m3/ngày đêm để ứng cứu cho tuyến số 1 hiện có.

Khi Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex thuộc Tổng Công ty Vinaconex đầu tư xây dựng xong, vận hành ổn định tuyến truyền dẫn số 2 thì tuyến đường ống truyền dẫn khẩn cấp này sẽ sử dụng phục vụ phân phối cấp nước cho khu vực đô thị và dân cư hai bên tuyến đường.

Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng tuyến ống truyền tải khẩn cấp khoảng 864 tỷ đồng vay từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố.

Do dự án có tính chất quan trọng và cấp bách như trên, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép đầu tư xây dựng khẩn cấp tuyến đường ống dẫn từ Quốc lộ 21 đến Vành đai 3 và được thực hiện theo cơ chế đầu tư xây dựng công trình đặc thù, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp cấp bách quy định khoản 2, Điều 130 của Luật Xây dựng 2014, quy định cụ thể tại Điều 42, Điều 43, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Công văn cũng nhấn mạnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo triển khai thực hiện đầu tư xây dựng công trình đảm bảo đúng quy định, nhằm khắc phục được tình hình hiện tại và chủ động, kịp thời ứng phó với nguy cơ sự cố thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục