Ngày 2/3, tại Washington (Mỹ), một nhóm nhà khoa học quốc tế đã công bố công trình nghiên cứu cho biết hai trong số bốn chủng virus HIV gây bệnh AIDS có nguồn gốc từ loài khỉ ở Tây Nam Cameroon.
Với thông tin mới này, các nhà khoa học đã có thể nắm rõ nguồn gốc của của tất cả các chủng virus HIV xuất hiện ở người.
Trưởng nhóm nghiên cứu Martine Peeters, chuyên gia virus học thuộc Viện Nghiên cứu và Phát triển (IRD) của Pháp và Đại học Montpellier, cho biết cho đến nay, loài người đã xác định được ít nhất bốn chủng HIV, được đặt theo chữ cái M,N,P,Q. Mỗi chủng này đều có nguồn gốc riêng.
Chủng HIV thuộc Nhóm M và Nhóm N được xác định có nguồn gốc lây lan từ loài tinh tinh ở Cameroon, hai chủng còn lại thuộc Nhóm O và Nhóm P vẫn chưa rõ nguồn gốc.
Chủng HIV thuộc Nhóm M được coi là lây lan mạnh nhất, chiếm phần lớn trong hơn 40 triệu người nhiễm HIV đang còn sống trên thế giới.
Nhóm P cho đến nay mới phát hiện được ở hai bệnh nhân. Nhóm O được phát hiện chủ yếu ở khu vực Trung và Tây Phi với khoảng 100.000 ca nhiễm.
Việc phát hiện nguồn gốc của hai chủng HIV là nhờ việc phân tích mẫu gen của các loài khỉ và tinh tinh ở Cameroon, Gabon, Uganda và Cộng hòa Dân chủ Congo.
Bà Peeters cho biết từ nghiên cứu này và các nghiên cứu trước đó của nhóm, có thể khẳng định các virus "lưu trú" trong loài khỉ và tinh tinh đã vượt qua các "rào cản" để lây nhiễm sang người và đây là nguyên nhân chính khiến căn bệnh AIDS bùng phát.
Nhà nghiên cứu này nhấn mạnh việc hiểu rõ nguồn gốc lây lan bệnh sẽ giúp loài người phòng tránh tốt hơn với các loại dịch bệnh trong tương lai.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, kể từ năm 1981 đến nay, đã có khoảng 78 triệu người trên thế giới bị nhiễm HIV gây bệnh AIDS, trong đó khoảng 39 triệu người đã tử vong./.