Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh vừa kết thúc chuyến thăm hai nước Nga và Trung Quốc, chuyến công du được cho là đã tạo dấu ấn quan trọng vào cuối nhiệm kỳ của Chính phủ Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA) cầm quyền hiện nay, trước khi bước vào cuộc tổng tuyển cử nhiệm kỳ tới, theo lịch trình vào tháng 5/2014. Trong chuyến thăm Nga từ 20-22/10, Thủ tướng Singh và Tổng thống Vladimir Putin đã thảo luận tất các các khía cạnh quan hệ và nhất trí rằng quan hệ đối tác chiến lược vẫn được ưu tiên cao nhất đối với hai nước. Hai bên bày tỏ sự hài lòng với những tiến bộ trong quan hệ hợp tác, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, năng lượng, thương mại về công nghệ cao, đầu tư, không gian, khoa học, giáo dục, văn hóa và du lịch.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh
gặp nhau trước hội đàm ở Moskva. (Nguồn: AFP/TTXVN)
gặp nhau trước hội đàm ở Moskva. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Singh bày tỏ sự vui mừng trước thực tế rằng quan hệ hợp tác song phương trong các lĩnh vực quốc phòng, năng lượng, khoa học, công nghệ cao, du lịch, thương mại và đầu tư đã đạt nhiều tiến bộ. Sự phối hợp giữa Ấn Độ và Nga trong các diễn đàn đa phương như Nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi (G-20), và Hội nghị Đông Á (EAS) đã đi vào chiều sâu. Trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Singh, Nga và Ấn Độ đã ký một số thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, khoa học công nghệ và tư pháp; nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, hải quân và các hệ thống vũ khí khác. Đặc biệt trong chuyến thăm của Thủ tướng Singh, Nga và Ấn Độ đã đạt sự hiểu biết quan trọng về cung cấp khí đốt. Gas Authority of India Ltd của Ấn Độ và Gazprom của Nga đã nhất trí một thỏa thuận về cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) trong 20 năm, theo đó Nga sẽ cung cấp cho Ấn Độ 2,5 triệu tấn khí mỗi năm. Hai bên cũng nhất trí thành lập một nhóm nghiên cứu chung để xem xét kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí từ Nga tới Ấn Độ. Về lĩnh vực quốc phòng, hai bên đề cập đến một số dự án đang được triển khai, đặc biệt là dự án hiện đại hóa tàu sân bay INS Vikramaditya cho Ấn Độ, dự kiến sẽ được bàn giao vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, vấn đề liên quan đến dự án nhà máy điện hạt nhân Kudankulam (thuộc bang Tamil Nadu của Ấn Độ), vốn được coi như một biểu tượng quan trong của mối quan hệ đối tác chiến lược Nga-Ấn, vẫn chưa được giải quyết. Hai bên chưa khai thông được những trở ngại trong luật trách nhiệm hạt nhân dân sự của Ấn Độ để Nga tiếp tục cung cấp lò phản ứng hạt nhân cho tổ máy số 3 và số 4 của Dự án điện hạt nhân Kudankulam (KKNPP). Nga đã cung cấp lò phản ứng hạt nhân để lắp đặt tổ máy số 1 và số 2 và đang thương lượng hợp đồng để cung cấp lò phản ứng hạt nhân cho tổ máy số 3 và số 4. Tuy nhiên, việc Ấn Độ ban hành luật trách nhiệm hạt nhân dân sự năm 2010, buộc các công ty cung cấp thiết bị hạt nhân phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sự cố hạt nhân, đã gây tranh cãi giữa hai nước khiến tiến trình thương lượng về cung cấp tiếp lò phản ứng hạt nhân cho tổ máy số 3 và số 4 của KKNP bị đình lại. Giới phân tích Ấn Độ nhận định khai thông bế tắc trong luật trách nhiệm hạt nhân dân sự để Nga tiếp tục cung cấp lò phản ứng hạt nhân cho Dự án KKNPP là “bài toán khó” đối với Thủ tướng Singh, bởi dự án này đang gặp sự phản đối mạnh mẽ của người dân địa phương. Bất cứ động thái nhạy cảm nào được khơi dậy lúc này đều ảnh hưởng đến lá phiếu của cử tri trong nước đối với UPA trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới nên ông chưa có bước đi táo bạo trong vấn đề này là điều dễ hiểu. Tiếp tục chuyến công du từ Nga sang Trung Quốc, từ ngày 22-24/10, Thủ tướng Singh đã có cuộc hội đàm “rất hữu ích và đã đạt được một số hiểu biết quan trọng” với người đồng cấp Lý Khắc Cường.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh (phải)
tại lễ đón ở Bắc Kinh. (Nguồn: THX/TTXVN)
Hai bên đã ký các thỏa thuận và Bản ghi nhớ (MOU) trong nhiều lĩnh vực, bao gồm hợp tác quốc phòng, giao thông đường bộ, các vấn đề liên quan đến những con sông xuyên biên giới, thiết bị điện, trao đổi văn hóa, hợp tác tại trường Nalanda University thuộc bang Bihar của Ấn Độ và các thành phố kết nghĩa; thăm dò các cách thức nhằm giảm khoảng cách thâm hụt thương mại song phương hiện đang nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, dấu ấn đặc biệt và được chờ đợi nhất trong chuyến thăm của Thủ tướng Singh là Trung Quốc và Ấn Độ đã ký Hiệp định hợp tác quốc phòng biên giới (BDCA) nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định biên giới giữa hai nước. Theo nội dung của Hiệp định này, hai bên tái khẳng định không sử dụng khả năng quân sự và sức mạnh quân sự để chống lại nhau; tái khẳng định cam kết không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại nhau dưới bất kỳ hình thức nào; chấp nhận nguyên tắc an ninh bình đẳng, thừa nhận sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định và bình yên dọc Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) tại các khu vực biên giới Ấn Độ và Trung Quốc; tiếp tục thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin trong lĩnh vực quân sự dọc LAC. Như tuyên bố của Thủ tướng Singh “Vấn đề biên giới Ấn-Trung là vấn đề phức tạp và nhạy cảm, cần phải có thời gian để giải quyết.” Tuy BDCA chưa phải là giải pháp hữu hiệu nhất để giải quyết vấn đề “phức tạp và nhạy cảm” này, nhưng nó sẽ bổ sung vào những “công cụ” xây dựng lòng tin hiện có để hai nước láng giềng “khổng lồ” châu Á tránh những va chạm không cần thiết, nhằm ổn định và phát triển. Chuyến công du của Thủ tướng Singh tới Nga và Trung Quốc, theo như đánh giá của dư luận báo chí Ấn Độ chưa hoàn toàn như mong đợi, song những điểm đạt được trong chuyến đi đã để lại dấu ấn quan trọng cho ông và cho cả Chính phủ UPA vào cuối nhiệm kỳ này./.
Minh Lý/New Delhi (Vietnam+)