Hải Phòng: Chuyển đổi số - động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững

Hải Phòng phấn đấu sẽ có 100% dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh, xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ TW đến địa phương.
Hải Phòng: Chuyển đổi số - động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững ảnh 1Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Phạm Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Vũ Đại Thắng đồng chủ trì phiên Đối thoại. (Nguồn: haiphong.gov.v)

Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế xã hội bền vững là chủ đề cuộc đối thoại trực tuyến do Cổng thông tin điện tử thành phố cùng Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng tổ chức vào chiều 27/12.

Cuộc đối thoại trực tuyến góp phần cụ thể hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thực hiện chủ đề năm 2022 của Hải Phòng "Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị-Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu-Thực hiện Chuyển đổi số."

Chuyển đổi số - giải pháp cứu cánh cho địa phương

Chuyển đổi số được xem như một trong những giải pháp cứu cánh cho địa phương, các đơn vị, doanh nghiệp trước thách thức của dịch COVID-19. Theo cách hiểu này, chính dịch bệnh lại là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng Vũ Đại Thắng cho rằng chuyển đổi số không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có.

Theo ông Vũ Đại Thắng, chuyển đổi số mở ra cơ hội chưa từng có cho mọi người dân. Ngày 3/6/2020 Chính phủ đã ban hành Quyết định 749 về Chương trình chuyển đổi số quốc gia; trong đó có ba trụ cột chính là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình.

Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân. Có thể nói, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức doanh nghiệp đang hết sức nỗ lực thay đổi, ứng dụng công nghệ trong hoạt động điều hành, sản xuất kinh doanh của mình.

[Chuyển đổi số - Chìa khóa phát triển logistics của Hải Phòng]

Ông Vũ Đại Thắng cho rằng dịch COVID-19 xảy ra khiến cả thế giới chao đảo, ảnh hưởng xấu đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động xấu, ở một khía cạnh khác thì đại dịch đã trở thành một chất xúc tác mới thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhận thức chuyển đổi số của ngành này nhanh hơn từ 3-5 năm, tạo bước nhảy vọt cho thanh toán số, đặc biệt là số lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng mạnh.

Việt Nam đã tận dụng hiệu quả ưu thế về mức độ người dân sử dụng điện thoại di động (150%) và mạng Internet (70%). Khi xảy ra dịch COVID-19, công nghệ thông tin là nền tảng hỗ trợ làm việc tại nhà, học trực tuyến và giao hàng tận nơi.

Tại thành phố Hải Phòng, các quận, huyện trước đây chưa triển khai họp trực tuyến đến xã, phường thì nay 100% quận, huyện triển khai giải pháp họp trực tuyến đến xã, phường. Nếu như trước đây học trực tuyến là điều rất xa lạ với học sinh, nay học sinh từ trung học phổ thông đến tiểu học trên mọi miền đất nước đã quen với việc học trực tuyến... Đó là một số nét nổi bật do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm thúc đẩy nhanh đến quá trình chuyển đổi số.

Cần nguồn nhân lực đủ mạnh

Bên cạnh các vấn đề đầu tư phát triển nền tảng, hạ tầng số thì còn là yếu tố con người, là sự đánh giá về việc đào tạo nguồn nhân lực ở các cấp, ngành, địa phương và đơn vị đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng Vũ Đại Thắng cho biết hiện nay hầu hết cán bộ, công chức, viên chức trong các cấp, các ngành đều được đào tạo cơ bản về ứng dụng công nghệ, việc đào tạo, tập huấn được thực hiện thường xuyên, vì vậy triển khai đến đâu đào tạo đến đó, đủ đáp ứng yêu cầu đặt ra.

"Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn nhận rằng việc triển khai chuyển đổi số cũng gặp không ít khó khăn do nhận thức của một bộ phận lớn cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số còn hạn chế. Nguồn lực bố trí thực hiện chuyển đổi số còn chưa tập trung cao; nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao còn thiếu và yếu cả về số lượng, chất lượng; việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số ở các đơn vị, địa phương chưa đồng đều, chậm so với yêu cầu đề ra," ông Vũ Đại Thắng nhận xét.

Hải Phòng: Chuyển đổi số - động lực phát triển kinh tế-xã hội bền vững ảnh 2Phiên Đối thoại trực tuyến lần thứ 24 trên Cổng Thông tin điện tử thành phố. (Nguồn: haiphong.gov.v)

Để đảm bảo thực thi công cuộc chuyển đổi số trong thời gian tới, ông Vũ Đại Thắng cho rằng ngoài sự đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, triển khai các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, việc đầu tư đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng cho xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số đóng vai trò hết sức quan trọng.

Hải Phòng cần chủ động liên kết với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, các đối tác trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số của thành phố; thực hiện theo lộ trình phổ cập kỹ năng số, kỹ năng đảm bảo an toàn, an ninh mạng đạt trình độ cơ bản cho nhân dân; đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa số trong cộng đồng.

Về nhân lực kỹ thuật vận hành, Hải Phòng sẽ rà soát, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp để tập trung nhân lực công nghệ, hạ tầng phục vụ vận hành chính quyền điện tử; về các giải pháp công nghệ mới, yêu cầu phức tạp, cần thuê chuyên gia, đơn vị cung cấp dịch vụ, có lộ trình chuyển giao công nghệ, làm chủ công nghệ.

Đẩy nhanh Chuyển đổi số

Theo Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Phạm Anh Tuấn, thực hiện Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 21/9/2020 của Ủy ban Nhân dân thành phố về Chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, các sở, ngành, địa phương thành phố đã tích cực vào cuộc để triển khai nội dung của Kế hoạch, cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình. Điển hình như việc sử dụng chữ ký số để phát hành văn bản đã được sử dụng rộng rãi trong các cơ quan nhà nước, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, điều hành trao đổi văn bản điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Hiện tại, hệ thống Một cửa điện tử và Dịch vụ công trực tuyến thành phố Hải Phòng đã được triển khai tập trung, thống nhất cho 35/35 sở, ban, ngành, quận, huyện; tất cả 217 xã, phường, thị trấn; thực hiện cung cấp 1.232 dịch vụ công trực tuyến; đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện được triển khai trong năm 2021.

Đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, các giải pháp công nghệ được Hải Phòng áp dụng tích cực như khai báo y tế điện tử; sổ sức khỏe điện tử; hệ thống quản lý tiêm chủng giúp người dân đăng ký, tra cứu thông tin về tiêm chủng, xét nghiệm trên thiết bị di động…

Tiếp tục đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số, ngày 26/10/2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/TU về chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng 2030. Theo đó, mục tiêu cơ bản đến năm 2025, Hải Phòng sẽ phấn đấu đạt 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Hải Phòng phấn đấu sẽ có 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. 90% hồ sơ công việc tại các cơ quan thành phố; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). 100% cơ quan Nhà nước ở Hải Phòng tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Về phát triển kinh tế số, Hải Phòng phấn đấu để kinh tế số chiếm 25% GRDP thành phố; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 15%; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 15%.

Đối với việc phát triển xã hội số, Hải Phòng phấn đấu để có hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang phủ tới 90% hộ gia đình, 100% xã, phường, thị trấn; phổ cập dịch vụ mạng di động 5G khu vực đô thị trung tâm; phổ cập điện thoại di động thông minh, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%, cung cấp danh tính số trên nền tảng di động cho tối thiểu 40% người dân sống và làm việc trên địa bàn thành phố Hải Phòng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng TikTok trên nền quốc kỳ Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tòa án Tối cao Mỹ thông qua luật cấm TikTok

Mặc dù ứng dụng TikTok sẽ không biến mất ngay lập tức khỏi các điện thoại của người dùng hiện tại, nhưng người dùng mới sẽ không thể tải xuống ứng dụng, các bản cập nhật cũng sẽ bị vô hiệu hóa tại Mỹ.