Theo dân gian lưu truyền, Nữ tướng Lê Chân sinh ngày mùng 8 tháng 2, vào khoảng những năm 18 đến năm 20 sau Công nguyên, tại làng Vẻn, An Biên, Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay là thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh).
Bà là người có nhan sắc và giỏi võ nghệ, trong bối cảnh đất nước bị ngoại xâm đô hộ, nợ nước thù nhà chất cao, với tài năng, tâm huyết và ý chí của mình, bà đã đưa gia binh, họ hàng xuôi dòng ra miền cửa biển.
Nhận thấy vùng đất phên dậu miền duyên hải phía Đông (nay là thành phố Hải Phòng) có vị trí chiến lược, nên bà quyết định chọn vùng đất này để lập ấp, chiêu mộ dân chúng, quai đê lấn biển lập lên các làng, xã... phát triển sản xuất nông nghiệp và đánh bắt hải sản; đồng thời rèn quân và luyện mã, chờ thời để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Để nhớ về quê cũ, bà lấy tên quê gốc đặt cho vùng đất mới này là làng Vẻn-Trang An Biên.
Dưới ngọn cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán xâm lược, vào mùa xuân năm 40, bà đã mang theo gia binh xin nhập quân khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và giành nhiều chiến công vang dội.
Bà đã được Trưng Vương phong làm Thánh Chân công chúa, ban chức Chưởng quản binh quyền, lĩnh ấn Trấn Đông Đại tướng quân, thống lĩnh đạo quân Nam Hải phòng thủ miền biển, sai đem binh mã về Trang An Biên để dựng đồn binh đề phòng giặc Bắc.
Bà vâng mệnh Vua trở về làng cũ dựng đồn, xuất tiền chẩn cấp cho dân, dạy dân lao động sản xuất, biến vùng đất An Biên trở nên giàu có, nhân khang vật thịnh.
Khi quân Nam Hán quay lại đánh nước ta, Thánh Chân Công chúa nhận chiếu của Vua lập tức về kinh dốc sức giúp Trưng Vương đánh giặc.
Tướng Lê Chân cùng các tướng sỹ chiến đấu với quân thù, song thế giặc mạnh, bà đưa quân rút về vùng núi Lạt Sơn (nay là huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) lập căn cứ. Căn cứ vừa hình thành, lực lượng quá chênh lệch, quân Thánh Chân Công chúa thất trận, Nữ tướng Lê Chân gieo mình xuống Giát Dâu tuẫn tiết./.