Hải Phòng tập trung nguồn lực đầu tư cho hệ thống y tế

Bí thư Thành ủy Hải Phòng đề nghị ngành y tế cần tập trung rà soát hiện trạng các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện của thành phố đang bị quá tải để bố trí nguồn lực đầu tư cải tạo, mở rộng ngay.

Các lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm tra tại Bệnh viện Kiến An. (Nguồn: Cổng tin tức thành phố Hải Phòng)
Các lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm tra tại Bệnh viện Kiến An. (Nguồn: Cổng tin tức thành phố Hải Phòng)

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, ngành y tế thành phố xây dựng dự thảo Đề án Nâng cao năng lực hệ thống y tế công lập thành phố Hải Phòng giai đoạn 2024-2028, với mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trở thành Trung tâm y tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ; hệ thống y tế Hải Phòng đến năm 2030 hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của Nhân dân thành phố Hải Phòng và vùng Duyên hải Bắc Bộ…

Trước mắt, đến năm 2025, đạt 14-15 bác sỹ trên một vạn dân (tính cả công lập và ngoài công lập); 3-3,5 dược sỹ đại học trên một vạn dân (tính cả công lập và ngoài công lập); tốc độ tăng dân số hàng năm dưới 1%; tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sỹ hoạt động duy trì 90-100%. 100% bệnh viện tuyến thành phố, tuyến quận, huyện thực hiện được trên 60% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến (hiện tại là 55%).

Ưu tiên nguồn lực để xây dựng mới, nâng cấp mở rộng một số hạng mục tại: Bệnh viện Đa khoa huyện Thủy Nguyên, Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Bảo, Trung tâm y tế huyện Tiên Lãng, Bệnh viện Đa khoa quận Ngô Quyền, Trung tâm y tế quận Hồng Bàng, Trung tâm y tế huyện An Dương… để đảm bảo diện tích giường bệnh, khoa phòng chức năng, công năng bệnh viện…

Sở Y tế đề xuất các giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra, trong đó có giải pháp đào tạo, trợ cấp thu hút nhân lực, bố trí nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị; đấu thầu, mua sắm vật tư y tế, thuốc; thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các bệnh viện công lập; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế…

Tại buổi kiểm tra thực địa cơ sở vật chất tại Bệnh viện Kiến An, Bệnh viện Đa khoa huyện An Lão, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu đánh giá Đề án đã cơ bản bám sát các chủ trương, định hướng của Trung ương và thành phố về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm y tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ, tuy nhiên cần điều chỉnh lại giai đoạn thực hiện Đề án đến năm 2030; trong đó, tập trung sâu vào việc khắc phục các hiện trạng hiện nay, nhưng cũng cần quan tâm thêm đến công tác phòng bệnh, đưa cả hệ thống vào cuộc, tiếp cận toàn diện về dinh dưỡng, thể dục, thể thao, an toàn thực phẩm, y tế dự phòng; tăng cường hợp tác trong nước và ngoài nước.

Về các nhiệm vụ, giải pháp, Bí thư Thành ủy đề nghị đến năm 2025, Đề án cần tập trung rà soát hiện trạng các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện của thành phố đang bị quá tải để bố trí nguồn lực đầu tư cải tạo, mở rộng ngay; đồng thời, cần tính toán và lựa chọn một số bệnh viện tuyến huyện, địa bàn tập trung đông dân cư, đã có nền tảng về nhân lực cơ bản đáp ứng nhu cầu để đầu tư trọng điểm về trang thiết bị và giường bệnh nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến thành phố, đồng thời là trung tâm, hỗ trợ cho hệ thống y tế cấp xã như: Bệnh viện Thủy Nguyên và Bệnh viện Vĩnh Bảo…

Đầu tư cải tạo, nâng cấp Trung tâm y tế Quân dân y Bạch Long Vĩ (đơn vị đặc thù) để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của quân, dân huyện đảo Bạch Long Vĩ, đây là nhiệm vụ đã được Thường trực Thành ủy kết luận tại Chương trình làm việc tại huyện Bạch Long Vĩ, tháng 3/2023.

Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở Y tế tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc biệt của thành phố về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có; các chính sách thu hút nguồn nhân lực bên ngoài thành phố, trong đó cần ưu tiên đào tạo đối với một số lĩnh vực y tế thiếu tính hấp dẫn như: chăm sóc sức khoẻ sinh sản, giải phẫu, lao, phong, tâm thần, pháp y,… để giảm bớt tình trạng mất cân đối trong nhân lực các lĩnh vực của ngành Y tế.

Bên cạnh đó cần quan tâm đến các chính sách về tăng cường xã hội hóa trong lĩnh vực y tế; các cơ chế đặc thù về phân bổ nguồn lực của thành phố cho lĩnh vực y tế; cơ chế phân cấp, ủy quyền cho các cơ sở y tế được quyết định một số vấn đề.

Ông Lê Tiến Châu cũng nhấn mạnh quan điểm về xây dựng các chính sách này là Thành phố sẵn sàng ủng hộ các chính sách ưu đãi đặc biệt, bằng hoặc hơn so với các địa phương trên cả nước. Các địa phương trên cả nước có chính sách nào tốt thì thành phố sẵn sàng tham khảo và thực hiện nếu cần thiết để nâng cao chất lượng hệ thống y tế của thành phố.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy đề nghị ngành y tế cần tập trung các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế hiện nay. Trong đó, đặc biệt quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các cơ sở khám chữa bệnh; đi đôi với việc đầu tư trang thiết bị y tế, cần quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ y tế có chuyên môn, có kỹ năng sử dụng thành thạo các thiết bị y tế hiện đại, chất lượng cao; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các sai phạm, nhất là vấn đề trục lợi bảo hiểm xã hội; tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ sở y tế kém hiệu quả để đầu tư tập trung, tiết kiệm, hiệu quả hơn; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý tại các cơ sở y tế.

Từ năm 2025 đến năm 2030, trên cơ sở nền tảng căn cơ về cơ chế, chính sách đồng bộ, ưu việt; đã giải quyết cơ bản những bức xúc, những điểm quá tải ở giai đoạn đến năm 2025 thì giai đoạn 2025-2030 là giai đoạn “ưu tiên nguồn lực, đầu tư đồng bộ, tiến thẳng đến hiện đại”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục