Hàn Quốc đang tìm cách thức bình ổn thị trường trong nước, trong bối cảnh các thị trường tài chính đang biến động mạnh do tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và giá dầu sụt giảm.
Ngày 10/3, Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết sẽ siết chặt các quy định về hoạt động bán khống chứng khoán (hình thức giao dịch mượn chứng khoán để bán kiếm lời bằng cách tạm mua và trả lại chứng khoán này khi giá chứng khoán giảm).
Trả lời báo giới sau cuộc họp của các bộ trưởng và quan chức kinh tế diễn ra tại Seoul, Bộ trưởng Tài chính Hong Nam-ki thông báo chính phủ sẽ tạm thời nới lỏng việc chỉ định các loại chứng khoán có thể bị cấm bán khống.
Một quan chức bộ trên cho biết quyết định mới sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Ủy ban dịch vụ tài chính (FSC) sẽ giải thích nội dung chi tiết sau khi thị trường chứng khoán trong nước kết thúc phiên giao dịch ngày 10/3.
[Hàn Quốc và Nhật Bản bắt đầu đàm phán về vấn đề kiểm soát xuất khẩu]
Tính đến 11 giờ 22 ngày 10/3 theo giờ địa phương (9 giờ 22 giờ Việt Nam) sáng cùng ngày, chỉ số chứng khoán KOSPI đã giảm 0,11% xuống còn 1.952,59 điểm.
Giá đồng nội tệ của Hàn Quốc đứng ở mức 1.199,20 won/USD, tăng 5 won so với giá chốt phiên giao dịch trước đó.
Động thái trên diễn ra sau khi thị trường chứng khoán Hàn Quốc lao dốc, với chỉ số KOSPI chốt phiên ngày 9/3 giảm hơn 4% xuống còn 1.954,77 điểm, mức thấp nhất trong 6 tháng qua. Dự kiến, giá chứng khoán sẽ tiếp tục giảm trong một khoảng thời gian.
Một trong những nguyên nhân khiến giá chứng khoán giảm mạnh được cho là do hoạt động bán khống ồ ạt của các tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài.
Riêng trong ngày 9/3, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán số chứng khoán tổng trị giá 1.300 tỷ won (1,1 tỷ USD), mức cao nhất kể từ khi Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc bắt đầu theo dõi dữ liệu vào năm 1999.
Giới chức Hàn Quốc cho rằng dịch COVID-19 đang lây lan nhanh và khó đoán định là những nhân tố khiến các thị trường trên toàn cầu biến động mạnh./.