Hàn Quốc đề xuất tái thống nhất bán đảo Triều Tiên

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đưa ra đề xuất tái thống nhất bán đảo Triều Tiên và kêu gọi xây dựng mối quan hệ mới với Nhật.
Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak ngày 15/8 đã đưa ra đề xuất ba giai đoạn nhằm tái thống nhất bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi thực hiện các biện pháp cụ thể để xây dựng mối quan hệ mới với Nhật Bản.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày Hàn Quốc giải phóng khỏi ách chiếm đóng của Nhật Bản, Tổng thống Lee Myung-bak nhấn mạnh mối quan hệ liên Triều hiện nay đòi hỏi một hình mẫu mới và "điều cấp bách là hai bên cần lựa chọn giải pháp cùng tồn tại thay vì đối đầu, tiến bộ thay vì trì trệ."

Theo ông Lee Myung-bak, trước tiên, Hàn Quốc và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cần xây dựng "cộng đồng hòa bình" liên Triều nhằm bảo đảm an ninh và hòa hợp trên bán đảo Triều Tiên.

Tiếp đó, hai bên cần nỗ lực thành lập "cộng đồng kinh tế" nhằm hướng tới sự giao lưu toàn diện và sự thịnh vượng chung. Trên cơ sở đó, cuối cùng, hai bên có thể thành lập một "cộng đồng dân tộc" thực sự.

Tổng thống Lee Myung-bak nhấn mạnh đã đến lúc cần thảo luận các biện pháp lâu dài cho sự tái thống nhất hai miền Triều Tiên, chẳng hạn như vấn đề gánh nặng tài chính cho sự hợp nhất. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng "vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên."

Về quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, Tổng thống Lee Myung-bak đánh giá cao lời xin lỗi của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đưa ra hồi tuần trước về ách chiếm đóng của Nhật Bản trên bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945.

Tuy nhiên, ông cho rằng hai bên hiện vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết, do đó Seoul và Tokyo cần thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm kiến tạo một mối quan hệ mới cho 100 năm tiếp theo.

Cũng tại lễ kỷ niệm, Tổng thống Lee Myung-bak đã kêu gọi toàn dân nỗ lực phấn đấu xây dựng một xã hội công bằng hơn, đồng thời đề nghị quốc hội xem xét việc sửa đổi Hiến pháp và Luật bầu cử.

Lễ kỷ niệm được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Gwanghwamun ở trung tâm thủ đô Seoul với sự tham dự của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, đại diện các đoàn ngoại giao cùng 4.500 đại biểu thuộc mọi tầng lớp nhân dân ở Hàn Quốc.

Buổi lễ còn có sự tham gia của 1.000 thanh niên trong các trang phục khác nhau cùng 200 thiếu niên đại diện cho các gia đình đa văn hóa, tượng trưng cho sự lớn mạnh của mô hình đa văn hóa trong xã hội Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục