Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc ngày 22/10 cho biết tại Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và ba nước đối tác là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản), Seoul đã nhấn mạnh việc tăng cường năng lực hồi phục chuỗi cung ứng khu vực.
Quan chức Hàn Quốc tham gia hội nghị - ông Yoon Tae-shik, đã đề xuất phương án đối phó với các yếu tố rủi ro và sự thay đổi mang tính cơ cấu trong khu vực. Ông cho rằng các nước cần tìm ra mắt xích yếu nhất để củng cố chuỗi cung ứng khu vực trên nền tảng hợp tác đa phương, như Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); thúc đẩy tự do trao đổi hàng hóa và nhân lực, nâng cao năng lực hồi phục cho toàn bộ chuỗi cung ứng trong khu vực.
Ông Yoon Tae-shik cho biết Hàn Quốc sẽ tích cực đóng góp vào quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh, kỹ thuật số trong khu vực, hỗ trợ số hóa nông nghiệp cho các nước, trong đó có Chương trình Nông nghiệp Quốc tế (KOPIA) đang triển khai với 20 quốc gia như Việt Nam, Myanmar và Philippines. Ông chỉ ra rằng trong thời gian tới, các nước cần duy trì chính sách vĩ mô mở rộng, rồi sau đó bước vào giai đoạn "bình thường hóa một cách có trật tự."
[Kinh tế ASEAN đang trên đà phục hồi dù còn nhiều thách thức]
Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã hạ dự báo tỷ lệ tăng trưởng khu vực năm nay từ 6,7% xuống 6,1%, bởi các yếu tố rủi ro chính như sự lây lan của biến thể Delta, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, tốc độ hồi phục bất cân bằng giữa các quốc gia.
Tham dự hội nghị trên, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Rhee Chang-yong đánh giá áp lực lạm phát tại khu vực châu Á tương đối thấp, nhưng vẫn tồn tại nhiều rủi ro. Do vậy, việc tiêm chủng vaccine nhanh chóng là điều rất quan trọng để khôi phục xu hướng tăng trưởng trong khu vực.
IMF và AMRO dự báo trong thời gian tới, dịch COVID-19 sẽ chuyển từ "đại dịch" sang "dịch" có tính lặp lại. Từ nay cho tới khi đẩy lùi được khủng hoảng, các quốc gia cần lập chính sách vĩ mô nới lỏng, hỗ trợ tập trung tầng lớp bị thiệt hại, chuẩn bị chuyển đổi cơ cấu sang nền kinh tế xanh, kỹ thuật số.
Các nước thành viên dự kiến sẽ đạt được mục tiêu tiêm chủng vào đầu năm 2022. Khi đó, nền kinh tế khu vực sẽ có xu hướng hồi phục vững chắc. Các nước nhất trí hợp tác để đối phó với sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế hậu COVID-19./.