Bộ Các vấn đề nông nghiệp, lương thực và nông thôn Hàn Quốc ngày 29/7 cho biết đã thành lập lực lượng đặc nhiệm theo dõi chặt chẽ tình hình về khả năng Mỹ có thể loại Seoul ra khỏi quy chế các nước đang phát triển.
Động thái trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thị Đại diện Thương mại Mỹ thúc đẩy những cải cách tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm đảm bảo một số "nền kinh tế giàu có nhất thế giới" sẽ không được nhận các ưu đãi đặc biệt khi tự coi mình là những nước đang phát triển.
Theo một quan chức thuộc Bộ Các vấn đề nông nghiệp, lương thực và nông thôn Hàn Quốc, bộ này đang cân nhắc một loạt khả năng trong trường hợp Seoul không được hưởng quy chế các nước đang phát triển trong các cuộc đàm phán tại WTO.
Hiện chưa có thay đổi nào đối với thuế quan và trợ cấp cho các sản phẩm nông nghiệp.
Trước đó, trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội Twitter ngày 26/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa rút lại sự công nhận quy chế "nước đang phát triển" đặc biệt của một số nền kinh tế tương đối giàu có trong WTO nếu tổ chức này không thay đổi các quy định.
[Mỹ dọa rút công nhận quy chế nước đang phát triển, Trung Quốc nói gì?]
Theo ông, WTO sử dụng "phương thức lỗi thời" phân tách hai nhóm nước phát triển và nước đang phát triển, tạo những "lợi thế không công bằng" cho một số nước thành viên WTO.
Do đó, nếu trong vòng 90 ngày không có những "tiến bộ đáng kể" về việc cải cách các quy định của WTO, Washington sẽ không tiếp tục đối xử với bất kỳ thành viên nào của WTO theo quy chế đối với một nền kinh tế đang phát triển.
Theo người đứng đầu Nhà Trắng, 7 trong số 10 nền kinh tế giàu có nhất thế giới tính theo GDP trên sức mua tương đương (PPP) hiện đang hưởng quy chế "đang phát triển" là Brunei, Hong Kong (Trung Quốc), Kuwait, Macau (Trung Quốc), Qatar, Singapore và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Trong khi 3 nước thành viên thuộc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Tổ chức Hợp tác kinh tế và Phát triển (OECD) là Mexico, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hưởng quy chế này.
Quy chế nước đang phát triển tại WTO cho phép chính phủ các nước này thực hiện các cam kết tự do thương mại trong khung thời gian lâu hơn, cũng như có thể được bảo hộ một số ngành nội địa.
Chính quyền Tổng thống Trump lâu nay vẫn cho rằng các quy định của WTO bất công với Mỹ và đã gây sức ép bằng cách từ chối chỉ định các thành viên mới cho cơ quan kháng cáo trong bộ máy giải quyết tranh chấp thương mại của WTO, theo đó cơ quan này sẽ phải dừng hoạt động vào cuối năm nay do không có đủ số thành viên theo quy định./.