"Hàng hóa trong nước cạnh tranh tốt sẽ đẩy lùi được buôn lậu"

Số vụ bắt giữ giảm nhưng giá trị hàng hóa tịch thu lại tăng mạnh, theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, phương thức và thủ đoạn buôn bán hàng giả, hàng lậu ngày càng tinh vi với nhiều phương thức, thủ đoạn.
"Hàng hóa trong nước cạnh tranh tốt sẽ đẩy lùi được buôn lậu" ảnh 1Lực lượng Công an và Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra hàng hóa. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Số vụ bắt giữ giảm nhưng giá trị hàng hóa tịch thu lại tăng mạnh, theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, phương thức và thủ đoạn buôn bán hàng giả, hàng lậu ngày càng tinh vi đòi hỏi lực lượng chức năng phải có nhiều giải pháp đấu tranh hiệu quả hơn.

Đây là vấn đề nổi cộm được đặt ra tại buổi họp về công tác đấu tranh chống buôn lậu và hàng giả do Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức sáng nay (20/7).

Xử phạt tăng mạnh

Với đường biên giới dài tiếp giáp với Trung Quốc, công tác đấu tranh chống buôn lậu tại tỉnh Lạng Sơn nhiều năm nay diễn ra hết sức căng thẳng, đặc biệt là lợi dụng sự thông thoáng về khai báo hải quan để làm ăn gian dối.

Dẫn thực tế này, Theo ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch Ủy ban ​Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, qua công tác nghiệp vụ, lực lượng chức năng của Lạng Sơn đã phát hiệu ra nhiều lô hàng xuất khẩu được khai báo với giá trị rất thấp để làm ăn phi pháp, dẫn đến lượng xuất khẩu cao nhưng giá trị thực lại thấp, làm thất thu thuế của nhà nước.

Chưa dừng lại, nhiều đối tượng còn lợi dụng hình thức tạm nhập, tái xuất sau đó phá dỡ container để quay vòng, đưa hàng cấm vào thị trường nội địa để tiêu thụ.

Trong khi đó, tại thị trường nội địa, các đầu nậu cũng câu kết chặt chẽ và vươn vòi bạch tuộc ra khắp nơi. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban ​Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Huỳnh Cách Mạng, cơ quan chức năng đã phát hiện ra các đối tượng lập Công ty ma rồi thuê người làm Giám đốc để buôn bán hàng giả, hàng lậu.

"Với kiểu đội lốt này, nếu bị phát hiện thì những đối tượng cầm đầu sẽ dễ dàng tẩu thoát khi bị cơ quan chức năng phát hiện," ông Huỳnh Cách Mạng cho hay.

Tương tự, tại Hà Nội, là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại cũng tiềm ẩn nhiểu yếu tố phức tạp, đặc biệt là nạn sản xuất hàng giả.

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo 389 Hà Nội cho hay, trong số hàng hóa bắt giữ đã phát hiện nhiều hàng giả do nước ngoài sản xuất gắn nhãn mác của doanh nghiệp trong nước. ​Trong đó, nhiều nhất là bánh kẹo sản xuất tại Trung Quốc nhưng khi về Việt Nam thì nhãn mác lại ghi sản xuất tại Hoài Đức (Hà Nội), hay quần áo được ghi nhãn mác của Hanosimex...

"Ban chỉ đạo 389 Thành phố đã đề nghị các lực lượng chức năng đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm đồng thời nắm bắt rõ các thủ đoạn mới để đấu tranh hiệu quả hơn vấn nạn hàng giả, hàng lậu," Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn nêu ý kiến.

[Quản lý thị trường: Lực lượng chủ công trên mặt trận chống buôn lậu]

Theo thống kê của Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 88.560 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 7.900 tỷ đồng.

Như vậy, số tiền xử phạt của lực lượng chức năng trong 6 tháng đầu năm đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Biểu đồ kết quả xử phạt hàng giả, hàng lậu của Hà Nội:

Phải làm yên từ biên giới

Tr​ước diễn biến phức tạp của hoạt động buôn bán hàng lậu, nhiều ý kiến cho rằng, ​bên cạnh sự phối hợp ​đồng bộ của ​lực lượng thực thi công vụ thì các giải pháp về kinh tế cũng ​phải tiếp tục được ​bổ sung, hoàn thiện.

Nói về vấn đề này, ông Lê Văn Nưng, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang cho rằng, "Còn lợi nhuận thì buôn lậu vẫn còn," do vậy, ông Nưng kiến nghị ​Chính phủ cho phép được để lại 50% giá trị lô hàng tịch thu khi đấu giá để thưởng cho người có công trong việc bắt giữ hàng lậu. Bởi theo ông, ​việc "lấy kinh tế đánh kinh tế" thì hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu mới chuyển biến tích cực.

Đồng tình với quan điểm này, đại diện tỉnh Quảng Trị cũng đề nghị Chính phủ cho phép đấu giá các mặt hàng như thuốc lá lậu và hàng hóa không thuộc danh mục cấm để có kinh phí trang trải cho lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả chống buôn lậu.

"Hàng nhập lậu đa phần từ Trung Quốc do vậy Trung ương cần tập trung lực lượng cho các tỉnh biên giới như Lạng Sơn để siết chặt địa bàn thì cả nước sẽ đỡ hơn," lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiến nghị thêm.

​Mặc dù biểu dương những cố gắng của các Bộ, ngành, địa phương, nhưng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại thời gian qua.

Theo Phó Thủ tướng, vẫn còn tình trạng bao che, nể nang khi xử lý vi phạm, thậm chí nhiều vụ việc xử lý chậm, kéo dài gây tác động xấu cho dư luận.

Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp nhà nước còn thờ ơ, thiếu quan tâm đến việc bảo vệ, xây dựng thương hiệu cũng như chú trọng đến sức khỏe người tiêu dùng khiến tình trạng buôn lậu phức tạp.

Làm rõ thêm về quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Phó Thủ tướng đề nghị, "Không có vùng cấm trong việc xử lý vi phạm", đồng thời đề nghị Ban chỉ đạo 389 Quốc gia nghiên cứu xây dựng các tiêu chí đánh giá sự vào cuộc của các địa phương trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại.

​Nhấn mạnh về lĩnh vực này, Phó Thủ tướng ​yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần xác định nhiệm vụ chống buôn lậu, hàng giả là nhiệm vụ thường xuyên và thực hiện có kết quả cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ vào sản xuất, ưu tiên phát triển kinh tế xã hội vùng sâu, vùng xa góp phần ổn định cuộc sống cho người dân, để người dân không tiếp tay cho buôn lậu.

Đặc biệt, phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực canh tranh, chất lượng sản phẩm hàng hoá, giảm giá thành để hàng hoá có sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập cùng chủng loại để người dân có nhiều sự lựa chọn, đồng thời “nói không” với hàng giả, hàng kém chất lượng.

"Hoạt động này có nguồn gốc từ quy luật cung-cầu, nếu hàng hóa trong nước sản xuất được, cạnh tranh tốt sẽ đẩy lùi được nạn buôn bán hàng lậu," Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý thêm./.

Trưởng Ban chỉ đạo 389 Hà Nội nói về công tác đấu tranh chông buôn lậu
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục