Hàng hóa và dịch vụ môi trường nội địa chưa đáp ứng nhu cầu thị trường

Thị trường Việt Nam chủ yếu tập trung nhập máy móc, công nghệ từ nước ngoài, còn phát triển hàng hóa và dịch vụ môi trường thì rất yếu chưa tương xứng với thị trường và đáp ứng nhu cầu trong nước.
Hàng hóa và dịch vụ môi trường nội địa chưa đáp ứng nhu cầu thị trường ảnh 1Nhà máy xử lý nước thải. (Nguồn: TTXVN)

Hiện nay, thị trường Việt Nam chủ yếu tập trung nhập máy móc, công nghệ từ nước ngoài, còn phát triển hàng hóa và dịch vụ môi trường thì rất yếu chưa tương xứng với thị trường và đáp ứng nhu cầu trong nước.

Nhận định này được tiến sỹ Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương đưa ra tại hội thảo "Tự do hóa thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường tại Việt Nam" tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24/9.

Theo tiến sỹ Phạm Nguyên Minh, trong khi ngành dịch vụ môi trường như xử lý nước thải, rác thải đã góp phần xử lý được 30-35% nhu cầu về bảo vệ môi trường, thì sản xuất hàng hóa môi trường phục vụ cho các hoạt động này chưa phát triển.

Theo thống kê, trong tổng số 1.016 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường, chỉ có 15 doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và môi trường, với các mặt hàng như hệ thống lọc khí, bụi, lò đốt chất thải nguy hại, thiết bị phân loại rác.

Đánh giá về tầm quan trọng của phát triển hàng hóa và dịch vụ môi trường, các chuyên gia cho rằng trong bối cảnh tự do hóa thương mại, hàng hóa và dịch vụ môi trường đang dần trở thành những nội dung quan trọng của các đàm phán thương mại song phương, đa phương, cũng như hợp tác quốc tế.

Từ năm 2014 đến nay, Mỹ luôn đi đầu trong thúc đẩy Hiệp định về hàng hóa môi trường (EGA), dựa trên danh mục 54 hàng hóa môi trường đã được phân loại bởi Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

APEC chiếm khoảng 86% thị trường hàng hóa môi trường toàn cầu, gồm các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Canada, Nhật Bản, Thụy Sỹ...

Mặt khác, tự do hóa thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ môi trường hiện nay được xem là công cụ hỗ trợ hiệu quả đối với thực hiện tăng trưởng xanh, góp phần hình thành một lĩnh vực kinh tế mới với các sản phẩm hàng hoá môi trường và hoạt động cung cấp dịch vụ môi trường tại Việt Nam.

Đồng thời, tạo ra những động lực để thúc đẩy phát triển bền vững thông qua tăng cường khả năng tiếp cận các công nghệ, máy móc, thiết bị và cung ứng dịch vụ về môi trường với giá rẻ trong nhiều lĩnh vực, hướng đến giảm thiểu các chi phí cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Theo Viện nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương, nhận thức được tầm quan trọng của phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để dịnh hướng, thúc đẩy phát triển lĩnh vực này.

Song song đó, phát triển thị trường hàng hóa và dịch vụ môi trường được xem là một nội dung quan trọng trong "Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng Xanh cho giai đoạn 2014-2020," nhằm đảm bảo thành công thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, Luật Bảo vệ Môi trường cũng như các đề án đã được Chính phủ Việt Nam ban hành, đã chỉ rõ nhà nước đầu tư và có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với cá nhân, tổ chức tham gia vào phát triển sản xuất hàng hóa môi trường và cung cấp dịch vụ môi trường, nhằm tăng cường khuyến khích và kêu gọi doanh nghiệp tham gia tích cực vào lĩnh vực này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục