Hàng trăm nghệ nhân dệt thổ cẩm xa rời khung cửi

Nhiều HTX dệt thổ cẩm của người Êđê, M'nông ở Đắk Lắk đã đóng cửa, hay hoạt động cầm chừng nên hàng trăm nghệ nhân xa rời khung cửi.
Hiện nay, ở tỉnh Đắk Lắk, hàng chục hợp tác xã dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Êđê, M nông đã đóng cửa ngưng hoạt động, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng nên hàng trăm nghệ nhân, xã viên lành nghề đã xa rời khung cửi, chuyển sang sản xuất nông, lâm nghiệp, ngành nghề khác.

Huyện Cư M’Gar trước đây là một trong những địa phương có phong trào khôi phục, phát triển mạnh nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Êđê và đã thành lập được sáu hợp tác xã dệt thổ cẩm. Thế nhưng, hiện nay, cả sáu hợp tác xã dệt thổ cẩm này đều đóng cửa ngưng hoạt động.

Thành phố Buôn Ma Thuột cũng có hàng chục hợp tác xã dệt thổ cẩm, nhưng nay chỉ còn một hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông đang hoạt động cầm chừng. Chị H’Dăm Niê, Chủ nhiệm hợp tác xã Tơng Bông cho biết hiện nay, mỗi tháng, một xã viên làm ra từ 1-2 sản phẩm (khăn, túi xách), hợp tác xã gom lại mang đi bán dạo hoặc gửi vào các cửa hàng trong các khu du lịch nhờ bán giúp nên thu nhập của xã viên cũng chẳng được bao nhiêu. Nhiều người bám trụ lại với hợp tác xã chẳng qua là không muốn bỏ nghề dệt truyền thống.

Theo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, nguyên nhân chính khiến các hợp tác xã dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Êđê, M'nông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ngưng hoạt động là do phần lớn các đơn vị này đều thiếu vốn, sản phẩm làm ra không đa dạng, không sắc sảo, quanh đi quanh lại cũng chỉ có váy, áo, tấm đắp, khố, khăn trải bàn, túi xách..., hoa văn không bắt mắt lại có giá bán khá cao nên không tiêu thụ được, hoặc tiêu thụ rất chậm...

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đề xuất cần sớm tạo điều kiện cho các hợp tác xã dệt thổ cẩm vay vốn với lãi suất thấp; đồng thời bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, xây dựng cẩm nang thổ cẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số bản địa nhằm góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm thổ cẩm.

Các cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh cũng cần gắn kết với các hợp tác xã dệt thổ cẩm để vừa là nơi tiêu thụ sản phẩm, vừa quảng bá cho văn hóa thổ cẩm của đồng bào bản địa đến với khách du lịch trong, ngoài nước, tạo điều kiện tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc./.

Quang Huy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục