Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/8 cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển tại khu vực Kucukkuyu thuộc tỉnh Canakkale, miền Tây nước này đã bắt giữ 330 người di cư bất hợp pháp khi họ đang cố vượt qua đảo Lesbos của Hy Lạp.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trong một tuyên bố, người phát ngôn lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lực lượng tuần tra đã triển khai 7 chiến dịch đón chặn những người di cư tại vùng biển này kể từ tối 17/8.
Phần lớn những người di cư bị bắt giữ mang quốc tịch Afghanistan, Syria, Iran và Iraq.
Cũng theo quan chức trên, số lượng người di cư bất hợp pháp tìm cách vượt qua khu vực đảo Lesbos đã tăng nhiều trong thời gian gần đây và lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ gần 700 người kể từ hôm 10/8.
Với vị trí nằm ở giữa châu Âu và châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ luôn là điểm nóng tập trung người di cư từ các quốc gia chiến sự bất ổn liên miên như Syria, Afghanistan, Pakistan..., vượt biển để tới châu Âu.
[6 quốc gia EU đồng ý tiếp nhận người di cư trên tàu cứu hộ Open Arms]
Tuy nhiên, con số người di cư đã giảm mạnh kể từ năm 2015 sau khi Ankara ký thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn dòng người di cư ồ ạt đổ về châu lục này, thông qua các biện pháp hỗ trợ tài chính và siết chặt kiểm soát các hoạt động buôn người cũng như cải thiện điều kiện sinh sống của gần 3 triệu người di cư Syria đang sống tị nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Bắc Phi dẫn nguồn tin từ hải quân Libya cho hay trong khuôn khổ các hoạt động đặc biệt ở phía Bắc thủ đô Tripoli, lực lượng này đã giải cứu 335 người di cư đang cố gắng tìm cách vượt qua Địa Trung Hải.
Người phát ngôn của Hải quân Libya, Tướng Ayoub Kacem thông báo một đội tuần tra bảo vệ bờ biển đã giải cứu 57 người di cư bất hợp pháp trên một chiếc thuyền gỗ cách Zouara 40 hải lý về phía Bắc hôm 17/8, trong đó bao gồm 17 phụ nữ và 9 trẻ em.
Những người di cư này đến từ Ethiopia và Ai Cập. Trước đó, hôm 13/8, một đội tuần tra khác của hải quân Libya cũng đã giải cứu 278 người di cư trên 4 chiếc thuyền bơm hơi ở phía Tây Bắc và Đông Bắc của Tripoli.
Theo hải quân Libya, trong số những người di cư trên bao gồm 128 người Sudan và số còn lại là người Chad, Ai Cập, Nigeria, Benin và Eritrea.
Kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya rơi vào hỗn loạn, với vô số các nhóm vũ trang và các lực lượng chính trị đối đầu nhau.
Từ đó, Libya đã trở thành điểm nóng thích hợp cho những người châu Phi muốn vượt biển Địa Trung Hải để tìm đến miền đất hứa châu Âu./.