Mặc cho cái lạnh run người, phường Nhật Tân, Tứ Liên (Hà Nội) đang có những ngày hối hả nhất năm bởi rầm rập bước chân khách tới thăm vườn. Còn hơn một tháng nữa mới đến Tết nhưng những cánh đồng ngút tầm mắt nơi “vựa” đào, quất của Hà Nội đang có không ít người tới rinh trước cây thế đẹp.
Thời bonsai lên ngôi
Khoác tạm chiếc áo mưa mỏng tang, anh Dũng, chủ vườn quất phường Tứ Liên hồ hởi dẫn mấy vị khách lạ len lỏi giữa rừng quất cao quá đầu người. Hơn 300 gốc quất nhà anh thì đã có mấy chục gốc đẹp khách hàng đến đặt tiền. Cứ với đà này, chỉ một tháng nữa, mấy trăm gốc trong vườn có khi bán hết vèo. Thời tiết thuận lợi đang cõng bớt gánh nặng cho người nông dân Tứ Liên. Chẳng thế, anh Dũng cứ ríu rít dẫn chúng tôi đi thăm khắp vườn với nụ cười chẳng lúc nào tắt.
Anh bảo, phần lớn những gốc đã đặt trước là những cây khá lớn, tán hình thông, nhiều quả đẹp. Những cây này có giá khoảng 4-5 triệu đồng/cây.
“Khách đến thời gian này thường là các công ty, cửa hàng. Họ muốn có cây sớm để trưng luôn dịp Tết dương lịch này. Vậy nên, những cây lớn đang khá đắt hàng. Những cây nhỏ hơn thì giá chỉ dao động từ 1 đến 2 triệu đồng/cây,” anh Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, anh Dũng cũng thành thật bày tỏ, giá quất cảnh năm nay sẽ tiếp tục nhích lên từ 10 đến 15%. Thực tế, năm ngoái giá quất cũng tăng với mức tương tự. Tuy nhiên, theo giải thích của bà con nơi đây, giá phân bón và thuốc trừ sâu tiếp tục tăng khiến quất không thể tiếp tục duy trì mức giá năm ngoái.
Chung niềm vui được mùa với anh Dũng, chị Hà, một chủ vườn nhận định, thời tiết nắng ấm như thời gian vừa qua rất hợp để quất phát triển. Tuy nhiên, chị Hà cũng cẩn thận: “Không dám mừng vội, vì phải đến cuối vụ mới biết được lỗ lãi thế nào.”
Điều đặc biệt là, năm nay, những cây quất nhỏ, dáng bonsai đang được săn đón khá ráo riết.
Anh Phan Thế Vĩnh (Long Biên, Hà Nội) đang "chết mê mệt" một cây quất khá lạ mắt. Cây chỉ cao ngang người nhưng có dáng tứ quý (long, ly, quy, phụng), lá nhỏ, xanh thẳm, trái không lớn nhưng đều, vàng sáng, hút mắt nhìn.
“Nhà mình nhỏ nên cũng không thể lấy cây lớn quá được, quất dáng bonsai này nhỏ nhắn nhưng lại ấn tượng. Bỏ ra vài triệu cũng đáng,” anh Vĩnh nói.
Theo một số chủ vườn, giá nhưng cây quất bonsai này có khi không hề kém cạnh so với nhưng cây lớn. Cây dáng đẹp cũng có thể lên tới 4, 5 triệu đồng vào thời điểm cận Tết. Những cây dưới 10 năm khoảng 2-3 triệu đồng.
Đặc biệt, với những cây đẹp, lại có dáng tứ quý (long, ly, quy, phụng), tam đa (ba ông thần phúc, lộc, thọ), phu phụ (vợ chồng), huynh đệ hay ngũ phúc, lục điền, bát tinh… thì giá có khi còn lên tới cả chục triệu đồng/cây.
Anh Hải, một thợ quất Tứ Liên tiết lộ, hiện vườn nhà anh đang rất đắt hàng loại quất nhỏ nhưng có thế đẹp này. Nhiều khách thậm chí còn đặt thêm tiền để cây mình đã chọn trước có chế độ chăm sóc đặc biệt.
“Không phải cứ cây to là đắt tiền. Quan trọng là những cây này có gốc cứng cáp, thế đối xứng, quả đẹp, đủ xanh, lá mơn mởn đủ cả hoa, nụ. Những cây này dù nhỏ vẫn có giá gấp hàng chục lần những cây không có dáng,” anh Hải cho biết.
Háo hức “săn” đào rừng
Một cành đào rừng ở tầm trung bình rơi vào quãng 2-3 triệu đồng. Cây lớn, thế đẹp còn được hét giá chót vót lên hơn chục triệu. Những cây “đào củi” đang được cánh lái buôn chào giá ngay từ khi hàng vẫn chưa về tới Hà Nội.
Tết năm ngoái, đào rừng được một phen sốt hầm hập, đặc biệt là những cây thân lừng lững, khỏe khoắn, hoa bám dày. Cánh lái buôn từ tận Mộc Châu, Sơn La dọc đường Láng, Nguyễn Chí Thanh, Âu Cơ được một cái Tết mừng húm vì người ta tranh nhau tới khênh đào rừng.
Rút kinh nghiệm, năm nay nhiều người đã bỏ công tìm tới mối buôn đào từ trước Tết hơn một tháng.
Chỉ tay vào mấy luống đào rừng ít ỏi trong vườn, anh Toản, chủ vườn đào Nhật Tân bảo, đây chỉ là một vài cây còn sót lại từ năm ngoái, còn phần lớn vẫn phải đợi hàng từ Sơn La, Lào Cai, Yên Bái chuyển về.
Anh chủ vườn nọ cũng một mực khuyên chúng tôi nên đặt hàng trước để có cây đẹp bởi nhiều khách đã đến đặt cọc từ tuần trước, đợi hàng từ miền ngược về.
“Đào bích có đẹp thật nhưng chơi nhiều cũng nhàm. Nhiều người đang chuyển hướng sang đào rừng, hoa nhạt màu, xù xì nhưng để trong nhà thì rất đẹp,” chủ vườn đào Nhật Tân tiết lộ.
Giới buôn đào cũng cho hay, giá đào rừng hơi khác so với đào thế thông thường. Giống “đào củi” không những cần có thế cao lớn, đường kính lớn, mà thân cây còn phải hội đủ cả hoa, mốc và tầm gửi sống kèm thì mới có giá.
Để có thể săn được những cành đào núi như thế, chủ vườn đã phải cử người tỏa đi khắp các vùng núi cao để đặt hàng sẵn.
“Đào rừng càng ngày càng hiếm vì năm nào cũng được đánh về xuôi. Chúng tôi phải đi sớm đặt tiền trước cho bà con dân tộc, để đến lúc giáp Tết chỉ việc chặt chở về, không lo bị tranh mất,” anh Toản cho hay.
Những người làm đào, quất khắp các làng Quảng Bá, Tây Hồ, Tứ Liên đang khấp khởi “trông trời, trông đất, trông mây” mong có được một vụ mùa thuận lợi./.
Thời bonsai lên ngôi
Khoác tạm chiếc áo mưa mỏng tang, anh Dũng, chủ vườn quất phường Tứ Liên hồ hởi dẫn mấy vị khách lạ len lỏi giữa rừng quất cao quá đầu người. Hơn 300 gốc quất nhà anh thì đã có mấy chục gốc đẹp khách hàng đến đặt tiền. Cứ với đà này, chỉ một tháng nữa, mấy trăm gốc trong vườn có khi bán hết vèo. Thời tiết thuận lợi đang cõng bớt gánh nặng cho người nông dân Tứ Liên. Chẳng thế, anh Dũng cứ ríu rít dẫn chúng tôi đi thăm khắp vườn với nụ cười chẳng lúc nào tắt.
Anh bảo, phần lớn những gốc đã đặt trước là những cây khá lớn, tán hình thông, nhiều quả đẹp. Những cây này có giá khoảng 4-5 triệu đồng/cây.
“Khách đến thời gian này thường là các công ty, cửa hàng. Họ muốn có cây sớm để trưng luôn dịp Tết dương lịch này. Vậy nên, những cây lớn đang khá đắt hàng. Những cây nhỏ hơn thì giá chỉ dao động từ 1 đến 2 triệu đồng/cây,” anh Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, anh Dũng cũng thành thật bày tỏ, giá quất cảnh năm nay sẽ tiếp tục nhích lên từ 10 đến 15%. Thực tế, năm ngoái giá quất cũng tăng với mức tương tự. Tuy nhiên, theo giải thích của bà con nơi đây, giá phân bón và thuốc trừ sâu tiếp tục tăng khiến quất không thể tiếp tục duy trì mức giá năm ngoái.
Chung niềm vui được mùa với anh Dũng, chị Hà, một chủ vườn nhận định, thời tiết nắng ấm như thời gian vừa qua rất hợp để quất phát triển. Tuy nhiên, chị Hà cũng cẩn thận: “Không dám mừng vội, vì phải đến cuối vụ mới biết được lỗ lãi thế nào.”
Điều đặc biệt là, năm nay, những cây quất nhỏ, dáng bonsai đang được săn đón khá ráo riết.
Anh Phan Thế Vĩnh (Long Biên, Hà Nội) đang "chết mê mệt" một cây quất khá lạ mắt. Cây chỉ cao ngang người nhưng có dáng tứ quý (long, ly, quy, phụng), lá nhỏ, xanh thẳm, trái không lớn nhưng đều, vàng sáng, hút mắt nhìn.
“Nhà mình nhỏ nên cũng không thể lấy cây lớn quá được, quất dáng bonsai này nhỏ nhắn nhưng lại ấn tượng. Bỏ ra vài triệu cũng đáng,” anh Vĩnh nói.
Theo một số chủ vườn, giá nhưng cây quất bonsai này có khi không hề kém cạnh so với nhưng cây lớn. Cây dáng đẹp cũng có thể lên tới 4, 5 triệu đồng vào thời điểm cận Tết. Những cây dưới 10 năm khoảng 2-3 triệu đồng.
Đặc biệt, với những cây đẹp, lại có dáng tứ quý (long, ly, quy, phụng), tam đa (ba ông thần phúc, lộc, thọ), phu phụ (vợ chồng), huynh đệ hay ngũ phúc, lục điền, bát tinh… thì giá có khi còn lên tới cả chục triệu đồng/cây.
Anh Hải, một thợ quất Tứ Liên tiết lộ, hiện vườn nhà anh đang rất đắt hàng loại quất nhỏ nhưng có thế đẹp này. Nhiều khách thậm chí còn đặt thêm tiền để cây mình đã chọn trước có chế độ chăm sóc đặc biệt.
“Không phải cứ cây to là đắt tiền. Quan trọng là những cây này có gốc cứng cáp, thế đối xứng, quả đẹp, đủ xanh, lá mơn mởn đủ cả hoa, nụ. Những cây này dù nhỏ vẫn có giá gấp hàng chục lần những cây không có dáng,” anh Hải cho biết.
Háo hức “săn” đào rừng
Một cành đào rừng ở tầm trung bình rơi vào quãng 2-3 triệu đồng. Cây lớn, thế đẹp còn được hét giá chót vót lên hơn chục triệu. Những cây “đào củi” đang được cánh lái buôn chào giá ngay từ khi hàng vẫn chưa về tới Hà Nội.
Tết năm ngoái, đào rừng được một phen sốt hầm hập, đặc biệt là những cây thân lừng lững, khỏe khoắn, hoa bám dày. Cánh lái buôn từ tận Mộc Châu, Sơn La dọc đường Láng, Nguyễn Chí Thanh, Âu Cơ được một cái Tết mừng húm vì người ta tranh nhau tới khênh đào rừng.
Rút kinh nghiệm, năm nay nhiều người đã bỏ công tìm tới mối buôn đào từ trước Tết hơn một tháng.
Chỉ tay vào mấy luống đào rừng ít ỏi trong vườn, anh Toản, chủ vườn đào Nhật Tân bảo, đây chỉ là một vài cây còn sót lại từ năm ngoái, còn phần lớn vẫn phải đợi hàng từ Sơn La, Lào Cai, Yên Bái chuyển về.
Anh chủ vườn nọ cũng một mực khuyên chúng tôi nên đặt hàng trước để có cây đẹp bởi nhiều khách đã đến đặt cọc từ tuần trước, đợi hàng từ miền ngược về.
“Đào bích có đẹp thật nhưng chơi nhiều cũng nhàm. Nhiều người đang chuyển hướng sang đào rừng, hoa nhạt màu, xù xì nhưng để trong nhà thì rất đẹp,” chủ vườn đào Nhật Tân tiết lộ.
Giới buôn đào cũng cho hay, giá đào rừng hơi khác so với đào thế thông thường. Giống “đào củi” không những cần có thế cao lớn, đường kính lớn, mà thân cây còn phải hội đủ cả hoa, mốc và tầm gửi sống kèm thì mới có giá.
Để có thể săn được những cành đào núi như thế, chủ vườn đã phải cử người tỏa đi khắp các vùng núi cao để đặt hàng sẵn.
“Đào rừng càng ngày càng hiếm vì năm nào cũng được đánh về xuôi. Chúng tôi phải đi sớm đặt tiền trước cho bà con dân tộc, để đến lúc giáp Tết chỉ việc chặt chở về, không lo bị tranh mất,” anh Toản cho hay.
Những người làm đào, quất khắp các làng Quảng Bá, Tây Hồ, Tứ Liên đang khấp khởi “trông trời, trông đất, trông mây” mong có được một vụ mùa thuận lợi./.
Xuân Dũng - Sơn Bách (Vietnam+)