Hậu Giang cần làm gì để đánh thức tiềm năng nông nghiệp xanh

Sau 15 năm thành lập tỉnh, Hậu Giang đã đạt được những thành công vượt bậc trong nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tiềm năng chưa được khai thác.
Hậu Giang cần làm gì để đánh thức tiềm năng nông nghiệp xanh ảnh 1Ông Lê Văn Đời, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn. (Ảnh: Nguyễn Thủy)

Sau 15 năm thành lập tỉnh, Hậu Giang đã đạt được những thành công vượt bậc trong nông nghiệp với hàng loạt sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn đó những tiềm năng chưa được khai thác.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành công, trong 11 sản phẩm có thương hiệu, nhiều đặc sản đã vươn xa như khóm Cầu Đúc và cam sành.

Nhìn lại điều kiện tự nhiên, xã hội của tỉnh, ông Đời cho biết Hậu Giang có nhiều lợi thế của một địa phương nằm gần Cần Thơ, rất thuận lợi cho giao thương cũng như có thể hưởng lợi từ các dịch vụ, cơ sở hạ tầng có sẵn của thành phố thủ phủ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chẳng hạn các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực, dịch vụ tài chính, cơ sở công nghiệp chế biến...

Tỉnh Hậu Giang với hơn 71% dân số lao động trong khu vực nông nghiệp, đất đai bao la, trù phú là những điều kiện cơ bản để phát triển nông nghiệp.

Trong những năm gần đây, Đảng bộ và chính quyền đã có chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. “Chúng tôi đã tính toán lại thứ tự ưu tiên trong nông nghiệp, đó là thủy sản, rau quả và lúa,” ông Đời nêu điểm mới trong chiến lược phát triển nông nghiệp.

Tại huyện Long Mỹ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang vừa thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 5.200ha. Mục tiêu của dự án này là hình thành khu trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với nòng cốt là các doanh nghiệp tham gia đầu tư để tạo ra công nghệ cao phục vụ nông nghiệp hoặc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm có giá trị cao.

Hậu Giang cần làm gì để đánh thức tiềm năng nông nghiệp xanh ảnh 2Người dân sản xuất khóm Cầu Đúc tại thành phố Vị Thanh. (Ảnh: Nguyễn Thủy)

Hiện Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang hợp tác với đối tác Hàn Quốc triển khai thí điểm canh tác lúa với các chế phẩm sinh học, bước đầu đạt kết quả khả quan.

Bên cạnh Khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang còn có nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, với các sản phẩm như cá thát lát cườm, khóm Cầu Đúc, xoài, chanh không hạt, mảng cầu.

Tuy nhiên, tỷ lệ chế biến sâu đối với các loại nông sản này vẫn còn hạn chế nên nhìn chung chưa tối ưu hóa được giá trị kinh tế.

Vào ngày 12/12/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và Tạp chí Nhà Quản Lý tổ chức Diễn đàn kinh tế xanh 2018 với chủ đề phát triển chuỗi giá trị nông sản.

Sự kiện có sự tham gia của nhiều lãnh đạo trung ương, địa phương, hàng trăm nhà khoa học, nhà đầu tư trong và ngoài nước nằm trong một loạt nỗ lực thu hút các nhà đầu tư đến với Hậu Giang, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến nông sản.

[Tỉnh Hậu Giang xúc tiến thương mại và tìm kiếm đầu tư tại Ấn Độ]

“Chúng tôi tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư đến với Hậu Giang,” ông Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ. “Bên cạnh các ưu đãi về thuê đất, thuế thì thủ tục cấp phép đầu tư cũng được tạo điều kiện để các nhà đầu tư có thể nhanh chóng triển khai hoạt động.”

Ông Quân cho biết hiện chỉ mất chừng 15 đến 20 ngày là có thể ra được quyết định cấp phép cho nhà đầu tư. “Tất cả những điều này để đảm bảo rằng, khi đầu tư vào Hậu Giang thì suất đầu tư sẽ rất thấp,” ông Quân nhấn mạnh.

Hậu Giang cần làm gì để đánh thức tiềm năng nông nghiệp xanh ảnh 3Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết Hậu Giang có nhiều chính sách thu hút đầu tư. (Ảnh: Nguyễn Thủy)

Bên cạnh những điểm thuận lợi, vẫn còn đó nhiều thách thức lớn cho Hậu Giang. Thứ nhất, đó là hệ thống giao thông đường bộ chưa phát triển, trong khi vẫn chưa có sự đầu tư đủ lớn để tận dụng mạng lưới sông rạch phục vụ cho giao thông đường thủy.

Kinh xáng Xà No hơn 100 năm tuổi là một trong những mạch máu giao thông quan trọng, đưa các sản vật của Hậu Giang ra sông cái Cần Thơ, đến cảng Cái Cui và từ đó đi tới thị trường trong và ngoài nước.

Nếu được đầu tư đồng bộ về logistics, trong đó đặt trọng tâm vào logistics hướng thủy tận dụng lợi thế sẵn có của vùng sông nước, ngành nông nghiệp Hậu Giang chắc chắn sẽ có được bệ đỡ vững chắc hơn để có thể phát huy hết tiềm năng sẵn có.

Một điểm cần cải thiện nữa đó là, hiện nay dù Hậu Giang được coi là vựa lúa, vựa thủy sản và trái cây, nhưng công nghiệp chế biến vẫn chưa phát triển tương xứng.

Khi chưa có các doanh nghiệp chế biến sâu đủ mạnh, thì giá trị của nông sản vẫn chưa được tối ưu hóa. Đấy là những điều mà chính quyền Hậu Giang đã nhận thấy và đang quyết tâm cải thiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục