Hậu Giang: Nhân rộng mô hình 'Ngày thứ Sáu nghe dân nói, nói dân hiểu'

Sau gần 10 năm triển khai, mô hình "Ngày thứ Sáu nghe dân nói" được nhân rộng ra toàn tỉnh Hậu Giang với tên gọi "Ngày thứ Sáu tuần cuối tháng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin."

Qua phản ánh của người dân, nhiều công trình cầu, đường giao thông được xây dựng, sửa chữa kịp thời, đảm bảo giao thương, đi lại. (Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN)
Qua phản ánh của người dân, nhiều công trình cầu, đường giao thông được xây dựng, sửa chữa kịp thời, đảm bảo giao thương, đi lại. (Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN)

Mô hình "Ngày thứ Sáu nghe dân nói" ở xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang kết nối gần hơn giữa cấp ủy, chính quyền cơ sở với nhân dân. Sau gần 10 năm triển khai, mô hình được nhân rộng ra toàn tỉnh Hậu Giang với tên gọi "Ngày thứ Sáu tuần cuối tháng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin."

Mô hình "Ngày thứ Sáu nghe dân nói" ra đời vào tháng 6/2014 tại xã Đông Phước A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Định kỳ vào ngày thứ Sáu của tuần cuối tháng, Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã Đông Phước A sẽ chọn một ấp để tiến hành đối thoại trực tiếp với nhân dân sinh sống trên địa bàn, xoay vòng mỗi tháng tổ chức tại một ấp. Thời gian, địa điểm tổ chức được thông báo rộng rãi sớm để người dân đến tham dự.

Thông qua mô hình "Ngày thứ Sáu nghe dân nói," Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân xã Đông Phước A kịp thời nắm bắt, giải quyết thỏa đáng kiến nghị chính đáng của nhân dân; nhiều vụ việc lớn nhỏ được giải quyết trực tiếp. Những vấn đề không thuộc thẩm quyền cũng được ghi nhận để đề xuất lên cấp trên, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, từ đây tạo sự gắn kết hơn giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân, cùng chung sức, đồng lòng thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng và phát triển quê hương.

ttxvn-nghe-dan-noi-4367.jpg
Quang cảnh buổi gặp gỡ, đối thoại 'Ngày thứ Sáu tuần cuối tháng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin' tại xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN)

Ông Nguyễn Thanh Việt, Bí thư Đảng ủy xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang thông tin khi thực hiện mô hình "Ngày thứ Sáu nghe dân nói," lãnh đạo xã và cán bộ phụ trách các lĩnh vực sẽ xuống ấp, gặp trực tiếp người dân nắm bắt thông tin, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân và những vấn đề bức xúc, khó khăn.

Kể từ khi thực hiện mô hình này, các đơn thư khiếu nại vượt cấp không còn bởi những vướng mắc, bức xúc của người dân được kịp thời nắm bắt và giải quyết từ cơ sở, từ đó tạo được lòng tin trong dân.

Trước đây, tuyến đường ven kênh Ông Hoạch, ở ấp Phước Tân, xã Đông Phước A xuống cấp gây khó khăn cho người dân khi lưu thông. Vấn đề này được phản ánh trong cuộc gặp gỡ giữa chính quyền địa phương và người dân tại buổi đối thoại "Ngày thứ Sáu nghe dân nói" tổ chức tại ấp Phước Tân.

Nhận thấy nhu cầu bức xúc của người dân về giao thông, chính quyền địa phương đã huy động nguồn lực để đầu tư sửa chữa mặt đường, đồng thời vận động thêm nguồn xã hội hóa xây dựng cầu kết nối qua kênh Ông Hoạch, giao thương đi lại của người dân nhờ vậy trở nên dễ dàng.

Ông Trần Văn Tới, Bí thư Chi bộ ấp Phước Tân, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành cho biết tuyến đường ven kênh Ông Hoạch có chiều dài 1.200m, ngang 3,5m. Trước đây, mặt lộ xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Sau khi vấn đề được người dân phản ánh tại buổi đối thoại "Ngày thứ Sáu nghe dân nói" tổ chức tại ấp Phước Tân, Ủy ban Nhân dân xã đã xem xét và có phương án duy tu, sửa chữa hoàn thành trước mùa mưa năm 2023 với tổng kinh phí 650 triệu đồng. Cây cầu bêtông cũng được xây dựng mới thay cho cầu khỉ trước đó, kinh phí khoảng 200 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Hòa, người dân ở ấp Đông Phước A, huyện Châu Thành, phấn khởi cho biết nhiều kiến nghị chính đáng của người dân được chính quyền địa phương tiếp thu và xem xét, giải quyết thông qua "Ngày thứ Sáu nghe dân nói." Điển hình là việc tuyến đường ven kênh Ông Hoạch xuống cấp đã được sửa chữa, đáp ứng nhu cầu về giao thông. Nhờ vậy, bà con càng đặt niềm tin hơn nữa khi góp ý, kiến nghị; những vấn đề không thuộc thẩm quyền được ghi nhận chuyển tải về cấp trên trả lời.

Qua gần 10 năm triển khai mô hình "Ngày thứ Sáu nghe dân nói," xã Đông Phước A tổ chức trên 100 cuộc đối thoại với trên 4.100 lượt người tham dự, ghi nhận hơn 1.120 lượt ý kiến của người dân. Các ý kiến, kiến nghị được tập trung giải quyết thỏa đáng. Nội dung chủ yếu xoay quanh công tác giải quyết thủ tục hành chính một cửa, chính sách của nhà nước đối với hộ nghèo, cận nghèo; đường giao thông; hệ thống thủy lợi nội đồng; hỗ trợ nhà tình nghĩa, tình thương, bảo hiểm y tế, vệ sinh môi trường ở nông thôn…

ttxvn-nghe-dan-noi-2-1562.jpg
Người dân xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, nêu ý kiến trong buổi đối thoại. (Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN)

Theo ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang, thời gian qua, việc xây dựng và thực hiện các mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa và có tác động tích cực trong việc tạo dựng niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.

Tiêu biểu là mô hình "Ngày thứ Sáu nghe dân nói" được Ban Thường vụ Huyện ủy Châu Thành chỉ đạo sơ kết và tổ chức nhân rộng trên địa bàn toàn huyện, với tên gọi "Ngày thứ Sáu tuần cuối tháng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin."

Từ những kết quả đạt được, tháng 9/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đề nghị các huyện ủy, thị ủy, thành ủy xây dựng kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện mô hình trên; nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện.

Đồng thời, các Ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy được phân công định kỳ 3 tháng hoặc đột xuất dự, theo dõi, chỉ đạo thực hiện tốt mô hình; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát việc kiểm tra, giám sát, khảo sát, đánh giá, rút kinh nghiệm để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đề nghị lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng trả lời, xử lý các kiến nghị của nhân dân thuộc thẩm quyền của Ủy ban Nhân dân tỉnh và các sở, ngành trong quá trình thực hiện mô hình.

Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với cấp ủy các địa phương trong việc triển khai thực hiện nhân rộng mô hình; đẩy mạnh vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân phát huy vai trò chủ thể, tích cực tham gia sinh hoạt mô hình "Ngày thứ Sáu tuần cuối tháng nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục