Hậu quả xung đột ở Karabakh đối với dự án khí đốt Nga-Thổ Nhĩ Kỳ

Hậu quả xung đột ở Karabakh đối với dự án khí đốt của Nga-Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng Giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga nêu lên một trong những hậu quả của cuộc đụng độ quân sự giữa Armenia và Azerbaijan là sự gián đoạn vận chuyển khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Đường ống dẫn khí đốt tại cơ sở dự trữ khí đốt Bilche-Volytsko-Uherske ở gần làng Bilche, khu vực Lviv, Ukraine. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Một cuộc đụng độ quân sự giữa Armenia và Azerbaijan có thể trở thành màn dạo đầu cho một cuộc chiến tranh nghiêm trọng nếu các nước khác tham gia vào cuộc xung đột này.

Trong bài viết đăng trên tạp chí forbes.ru, Tổng Giám đốc Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga Konstantin Simonov nêu lên một trong những hậu quả là sự gián đoạn vận chuyển khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ.

Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ

Chiến sự tại Nagorny-Karabakh, khu vực tranh chấp giữa Azerbaijan và Armenia lần này không giống một cuộc đụng độ cục bộ, mà ngày càng giống như sự mở đầu của một cuộc chiến tranh nghiêm trọng, đặc biệt là khi Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện sự ủng hộ Azerbaijan.

Đây là hệ quả trực tiếp từ những tham vọng chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ vì nhiều lý do khác nhau. Trong số đó, nhu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và tính cách của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng đóng một vai trò quan trọng.

[Vai trò của Nga trong việc chấm dứt xung đột Armenia-Azerbaijan]

Cần lưu ý vấn đề năng lượng trong cuộc xung đột này. Trong tay của Thổ Nhĩ Kỳ, năng lượng đã trở thành công cụ gây áp lực quan trọng nhất đối với EU. Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng minh rằng không chỉ tiềm năng xuất khẩu là quan trọng đối với lĩnh vực năng lượng hiện đại, mà trong một số trường hợp, cả tình trạng trung chuyển quá cảnh qua các quốc gia cũng đóng vai trò đáng kể.

Về mặt này, câu chuyện với Azerbaijan có phần nghịch lý. Tham vọng chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn đã phát triển khỏi vai trò mới là một cửa ngõ năng lượng phía Nam vào Liên minh châu Âu (EU). Giờ đây, những tham vọng này đã trở thành chất xúc tác cho cuộc xung đột ở Karabakh, mà có thể tạo ra những rủi ro rất nghiêm trọng cho quá trình vận chuyển của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc chiến ở Karabakh bắt đầu đúng vào thời điểm trước khi ra mắt hoàn toàn hệ thống đường ống dẫn khí TANAP-TAP thuộc dự án Hành lang khí đốt phía Nam (SGC).

Giai đoạn đầu của dự án này được khởi động vào năm 2018 với Thổ Nhĩ Kỳ nhận khí đốt của Azerbaijan thông qua đường ống dẫn khí đốt Trans-Anatolian Natural Gas Pipeline (TANAP). Hiện nay, đoạn đường ống thuộc Trans Adriatic Gas Pipeline (TAP) gần như đã hoàn thành.

Thông qua TAP, khí đốt của Azerbaijan được vận chuyển đến Italy. Tuy nhiên, trên thực tế, việc vận hành Hành lang khí đốt phía Nam (SGC) bắt đầu với Đường ống dẫn khí Nam Caucasus (SCP) có thể gặp rủi ro. Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành "con tin" cho chính sách đối ngoại rất tham vọng của mình. Việc Ankara sẵn sàng chấp nhận rủi ro có thể dẫn đến những phức tạp trong quan hệ của họ với phương Tây và EU.

Nói chung, điều này nằm trong tay của Nga. Xung đột Karabakh nhắc nhở người châu Âu rằng Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ tạo ra cơ hội cho việc vận chuyển khí đốt thay thế mà còn tạo ra những rủi ro đáng kể. Nga có thêm một cơ hội để chơi với Thổ Nhĩ Kỳ, nước vừa là đối tác trung chuyển của Moskva vừa là một lựa chọn cho các đối thủ của Moskva. Và trận đấu này đối với Nga cũng sẽ rất khó khăn.

Quá cảnh và địa chính trị

Trên thực tế, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ, Liên minh châu Âu (khi đó là Cộng đồng Kinh tế châu Âu) đã đưa ra chủ đề đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng. Đương nhiên, Nga được coi là một đối tác quá cứng rắn, và các quốc gia hậu Xô Viết đã được coi là những lựa chọn thay thế tiềm năng.

Vấn đề chính là về khí đốt. Dầu vẫn là hàng hóa toàn cầu, nhưng EU đã có đủ lựa chọn để lấy dầu từ các nước khác. Tất nhiên, dầu Caspi cũng được tính đến trong chiến lược dài hạn. Mặt hàng đã được khai thác từ lâu, nhưng khi các nhà đầu tư phương Tây đến khu vực này, họ ngay lập tức tăng sản lượng và bắt đầu cắt giảm các hành lang vận tải mới.

Khói bốc lên sau vụ pháo kích trong xung đột giữa lực lượng Azerbaijan và Armenia tại thành phố Stepanakert, thủ phủ khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh ngày 9/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bây giờ bằng cách nào đó họ đã quên đi đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan, mặc dù đường ống này đã được khai trương vào năm 2006 và đã có lúc dự án này thu hút sự quan tâm rất lớn. Dường như Biển Caspi đã trở thành một trong những trung tâm địa chính trị của thế giới. Nhưng điều quan trọng không chỉ là dầu chảy từ đâu, mà còn là dầu chảy qua những nơi nào.

Tiếp theo, đó là câu chuyện về dòng khí đốt. Ý tưởng xây dựng Hành lang khí đốt phía Nam (SGC) nảy sinh. Vấn đề này rất quan trọng với châu Âu vì sự thống trị gần như tuyệt đối của Nga trên thị trường khí đốt, đặc biệt đáng chú ý ở phía Nam và Đông Nam của lục địa này. Ở Tây Bắc châu Âu, các lựa chọn thay thế sản phẩm của Nga rõ ràng hơn, nhưng phía Nam trở thành mối quan tâm đặc biệt đối với Brussels.

Hy vọng lớn đã được đặt vào dự án Nabucco, nhưng cơ sở tài nguyên đã khiến nó trở thành dự án gây thất vọng.

Kazakhstan cần khí đốt chủ yếu để duy trì áp suất trong các hồ chứa dầu (đối với nước này, kinh doanh dầu mỏ mang lại nhiều lợi nhuận hơn khí đốt). Iran giàu tiềm năng, nhưng vẫn là một giấc mơ dài hạn của châu Âu.

Kế hoạch mua khí đốt từ Iran đã xuất hiện trước khi có ý tưởng về đường ống từ Liên Xô, nhưng yếu tố chính trị đã đứng về phía Moskva từ năm 1979. Châu Âu không thể giải tỏa tình hình với Iran ngay cả lúc này.

Vì vậy, hy vọng cuối cùng là Azerbaijan ngay lập tức được tán thành. Tình cờ, điều này đóng một vai trò quan trọng trong việc thay đổi vị thế và lập trường của Baku. Giới lãnh đạo Azerbaijan cảm thấy rằng họ có cơ hội gây áp lực lên các nhà lãnh đạo châu Âu, và họ có tiền để tái trang bị quân đội do xuất khẩu dầu tăng trưởng và môi trường giá cả thuận lợi.

Số phận dự án hành lang phía Nam

Ít ai nhớ chi tiết về các hợp đồng khí đốt do người châu Âu (chủ yếu là Italy) ký kết, song các hợp đồng này lại rất có lợi cho Azerbaijan. EU đã từng tuyên bố rằng sẽ không còn các hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn gắn với giá dầu nữa, nhưng họ buộc phải ký các hợp đồng như vậy với Baku.

Ngoài ra, Azerbaijan đã nhận được độc quyền sử dụng đường ống dẫn khí TAP. Các đối thủ cạnh tranh của họ (có thể là khí đốt của Nga) sẽ không được phép chuyển khí đốt vào đường ống.

Hệ thống này có công suất 16 tỷ m3, trong đó 6 tỷ m3 cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ, 8 tỷ m3 cung cấp cho Italy, Hy Lạp và Bulgaria lần lượt nhận 1 tỷ m3. Tổng công suất như vậy chưa phải là con số khổng lồ, song có thể tạo ra một cơ hội để làm sống lại ý tưởng về Hành lang khí đốt phía Nam ở quy mô nhỏ hơn.

Đây là cách dự án TANAP-TAP ra đời. Châu Âu cần ít nhất một số thành công ở phía Nam. Các cơ quan nghiên cứu trên thế giới cho rằng Mỹ sẽ là nhà nhập khẩu chứ không phải nhà xuất khẩu khí đốt hóa lỏng trong tương lai.

Các tuyến vận tải đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia này cũng nhận ra rằng họ đang trở nên rất cần thiết đối với châu Âu, nhưng tham vọng của họ đã phát triển cùng với dự án chuyển tuyến khí đốt từ Nga.

Moskva đang tích cực tìm cách giải quyết vấn đề bỏ qua quá cảnh qua lãnh thổ Ukraine. Ban đầu đường ống tránh đi qua phía Nam được lên kế hoạch đi qua Bulgaria. Tuy nhiên, Bulgaria đã từ bỏ dự án dưới sức ép trực tiếp của Mỹ.

Sau đó, bốn đường ống của dự án SGC được chia thành các phần bằng nhau theo hướng Bắc và Nam. Một nửa của dự án SGC trở thành Dòng chảy phương Bắc 2. Các tuyến đường phía Nam và phía Bắc được cho là kết nối tại trung tâm Baumgarten của Áo. Thổ Nhĩ Kỳ suýt nữa phá bỏ kế hoạch sau khi chiếc Su-24 của Nga bị bắn rơi ở Syria hồi tháng 11/2015.

Trong khi đó, dù ý tưởng thành lập một trung tâm khí đốt ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể không trở thành sự thực và nước này sẽ không trở thành một nhà bán lẻ khí đốt, song các đường ống dẫn quá cảnh cũng có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một cửa ngõ khí đốt phía Nam vào châu Âu.

Yếu tố Nga

Khi xem xét các số liệu của năm 2020, có thể nhận thấy nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm mạnh. Nhưng trên thực tế, điều này không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ mất đi thị trường, hoặc rút cạn Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này là một trong những quốc gia đa dạng nhất ở châu Âu về nguồn cung cấp khí đốt.

Thổ Nhĩ Kỳ có ba nguồn cung cấp khí đốt từ Nga, Azerbaijan và Iran, cũng như bốn kho nhập khẩu khí hóa lỏng tự nhiên (LNG). Đồng thời, khí đốt của Nga được cung cấp theo các hợp đồng dài hạn. Do đó, giá khí đốt đã trở nên khá cao vào năm 2019.

Hiện nay, bất chấp đại dịch COVID-19 và sự miễn cưỡng ngừng kinh doanh của các công ty trong lĩnh vực LNG, khí hóa lỏng vẫn tiếp tục chảy sang châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ thay thế cho việc nhập khẩu khí bằng đường ống truyền thống.

Năm 2020, Azerbaijan trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ, điều này đã tăng thêm sức mạnh cho mối quan hệ của nước này với Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã coi nước này là đối tác thân thiết.

Hiện giá LNG đã tăng đáng kể, và các hợp đồng treo giá dầu sẽ trở nên dễ chịu hơn. Vì vậy, việc khôi phục dần nguồn cung cấp của Nga sẽ bắt đầu vào cuối năm nay.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt đầu tích lũy một khoản nợ nghiêm trọng do vi phạm hợp đồng trên cơ sở nhận hoặc trả. Đồng thời, chỉ một phần hợp đồng của Gazprom được ký với công ty nhà nước Botas của Thổ Nhĩ Kỳ, với giá trị khoảng 20 tỷ m3 mỗi năm. 10 tỷ m3 khác rơi vào tay các công ty tư nhân.

Các thương nhân đã bị phạt trong những năm trước, nhưng nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ không chịu trách nhiệm về nghĩa vụ của họ. Mặc dù đã cắt giảm nhập khẩu 4,7 tỷ m3 của năm 2019 so với năm 2018, nhưng Botas vẫn nằm trong nghĩa vụ giao kèo "nhận hoặc trả" (tương đương 75% khối lượng hợp đồng) như đã thỏa thuận với tập đoàn Gazprom của Nga. Vì vậy, rất có thể Botas sẽ lần đầu tiên phá vỡ hợp đồng trong năm nay.

Tất cả điều này có thể dẫn đến một vụ kiện nghiêm trọng. Về mặt hình thức, các điều khoản của hợp đồng cho phép Gazprom khởi kiện công ty đối tác vào cuối năm 2020. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ, bằng cách giảm tiêu thụ khí đốt, cũng đang cố gắng buộc Moskva xem xét lại các điều khoản hợp đồng và trên hết, làm suy yếu các điều khoản “nhận hoặc trả.”

Để được giảm giá trong các hợp đồng mới và các khoản lợi theo quy tắc "nhận hoặc trả," cuối tháng Tám vừa qua, ông Erdogan đã ném một "quả bom thông tin" liên quan đến việc phát hiện một mỏ khí đốt lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen.

Chính quyền của ông Erdogan ước tính trữ lượng của mỏ khí đốt này là 320 tỷ m3, có thể so sánh với mỏ Leviathan của Israel. Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, nguồn cung khí đốt cho thị trường nội địa từ mỏ mới có thể bắt đầu sớm nhất vào năm 2023.

Hơn nữa, sản lượng tại mỏ mới có thể lên tới 10-12 tỷ m3 mỗi năm. Tất cả điều này là rất đáng nghi ngờ, nhưng thông tin này khá phù hợp để gây áp lực lên Nga.

Đương nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể sử dụng trạng thái quá cảnh. Việc hoàn thành chuỗi thứ hai của Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ ở Áo đang tiến triển tích cực. Phần thi công của dự án này tại Bulgaria không phải là không vấp phải khó khăn, nhưng dự án này đang về đích và phần dự án của Serbia đã hoàn thành.

Quan hệ khí đốt của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ thực tế là rất khó khăn. Tuy nhiên, Moskva cũng có đòn bẩy. Họ có thể đáp trả bằng một số vấn đề nhạy cảm đối với Ankara, chủ yếu là các vấn đề chính trị.

Trong trường hợp bắt đầu xảy ra các cuộc chiến toàn diện, đụng độ sẽ nhanh chóng vượt ra ngoài biên giới của Karabakh. Và khi đó mọi rủi ro khi quá cảnh khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhanh chóng xuất hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục