Hé lộ cách thức quản lý lương thực của Trung Quốc thời xa xưa

Người Trung Quốc thời Đông Hán (25-220) quản lý việc lưu trữ ngũ cốc khá chặt chẽ, điều này được thể hiện trên những "hóa đơn" là những tấm ván tre ghi tên chủ sở hữu, trọng lượng và loại ngũ cốc.
Hé lộ cách thức quản lý lương thực của Trung Quốc thời xa xưa ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Adobe Stock)

Ba tấm ván làm bằng tre được khai quật mới đây tại miền Trung Trung Quốc đã được xác định là những hóa đơn ghi lại việc lưu trữ ngũ cốc thời xa xưa.

Phát hiện này góp phần làm sáng tỏ cách thức quản lý lương thực chính thức của Trung Quốc cách đây 2.000 năm.

Được phát hiện tại khu di tích Tuzishan ở thành phố Yiyang, những tấm ván này có từ thời Đông Hán (25-220), do một kho thóc làm ra thành 3 bản cho 3 bên.

Mỗi tấm ván có chiều dài 24,7cm, chiều rộng 1,1cm và chiều sâu 0,5cm. Bên trên các tấm ván hiển thị các thông tin như tên chủ sở hữu, trọng lượng và loại ngũ cốc được cất giữ, tên của nhân viên văn thư của kho thóc và người giám sát chứng kiến quá trình bàn giao, và ngày bàn giao.

Trao đổi với báo giới, ông Zhang Chunlong, Trưởng nhóm khai quật, cho biết những tấm ván lâu đời này cho thấy việc quản lý ngũ cốc ở Yiyang vào thời điểm đó đã được quản lý chặt chẽ.

Trong khi đó, Phó Giáo sư chuyên ngành kế toán Zhang Chunlong tại Đại học Hồ Nam cho biết: "Các biên lai cổ đại có tính chất tương tự như các hóa đơn hiện nay, cũng có thể được sử dụng làm hóa đơn kế toán để đối chiếu và quản lý."

Sau một loạt quy trình bảo tồn, những tấm ván tre đã được làm sạch và được lưu trữ để phục vụ cho việc nghiên cứu cũng như các cuộc triển lãm trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục