Ẩn giấu hiểm họa

Hiểm họa khôn lường ẩn giấu trong đồ chơi trẻ em

Là "món ăn" tinh thần không thể thiếu của con trẻ, đồ chơi rất phong phú nhưng khó kiểm soát chất lượng và ẩn giấu nhiều hiểm họa.
Đồ chơi là một “món ăn” không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con trẻ. Trẻ em nông thôn xưa thường tự tìm kiếm đồ chơi ở quanh nhà như quả xà cừ, trái bòng non rụng, vỏ của những con trai, con hến, que chuyền...

Nhưng nay, những thứ đồ chơi “lành” và gần gũi với thiên nhiên này trở nên hiếm và xa lạ với con trẻ, thay vào đó là những con thú nhồi bông, búp bê lộng lẫy, những chiếc ôtô, máy bay đủ màu sắc chạy bằng pin, lại phát ra cả nhạc... vô cùng hấp dẫn. Những loại đồ chơi này có thể là ẩn họa đối với con trẻ.

Những ẩn họa khôn lường

Hiện nay, đồ chơi trẻ em được bày bán tràn ngập trên thị trường chủ yếu là hàng trôi nổi, nhập lậu, hàng giả...

Giá cả của những loại đồ chơi này tương đối rẻ, trong khi mẫu mã, màu sắc bắt mắt, nên chúng dễ lọt vào “mắt xanh” của các bậc phụ huynh và cả “người tiêu dùng nhí.” Tuy nhiên, chất lượng và độ an toàn của những loại đồ chơi này đối với con trẻ ra sao thì không ai dám chắc.

Trên thực tế, đã có không ít trường hợp các bậc phụ huynh phải đưa con vào bệnh viện cấp cứu vì trẻ gặp tai nạn khi chơi những loại đồ chơi này.

Đã có trường hợp trẻ bị dị ứng với phẩm màu trong đất nặn hoặc bị mẩn ngứa với các “bong bóng bay” từ ống thổi. Thậm chí, có trẻ còn bị "điếc tạm thời" do âm thanh chói tai phát ra từ đồ chơi; có trẻ nhiễm độc đường hô hấp, phổ biến là trẻ bị dị vật xâm nhập đường thở do hít, nuốt phải đồ chơi...

Anh Nguyễn Mạnh Hà, bác sĩ khoa siêu âm, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, cho biết trước đây anh thường mua các đồ chơi như súng, siêu nhân, ôtô... bằng nhựa cho con trai. Từ khi đọc các cảnh báo về đồ chơi nhựa có thể chứa độc tố, anh đã chuyển sang mua đồ chơi bằng gỗ, đồ chơi xếp hình cho cháu. Bởi đồ chơi bằng gỗ an toàn hơn các đồ chơi bằng nhựa.

Gần đây, dư luận nói nhiều đến việc đồ chơi có chứa độc tố như kẹo phát sáng, đồ chơi có chứa các dung dịch nở hay đồ chơi sơn màu lòe loẹt... được cảnh báo có thể gây nguy hại cho các bé. Chị Nguyễn Thúy Bình, số nhà 12/ngõ 298, Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội, bày tỏ quan điểm sẽ chỉ mua các đồ chơi có nhãn mác cảnh báo an toàn.

Chị nói: "Chắc chắn từ nay, việc chọn mua đồ chơi cho con tôi phải kiểm tra có nhãn mác an toàn, đồ chơi có địa chỉ của nhà sản xuất mới mua."

Kiểm soát chất lượng: Khó cũng phải làm

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và tính mạng của trẻ thì vấn đề quản lý chất lượng đồ chơi là hết sức cần thiết. Năm 2006, đồ chơi trẻ em bắt đầu được đưa vào diện quản lý chất lượng.

Theo Quyết định số 50/2006/QDD-TTg ngày 7/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ, trách nhiệm quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em thuộc về Bộ Khoa học và Công nghệ, căn cứ kiểm tra là TCVN 6238-3-1997, cơ quan kiểm tra là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Tuy nhiên, quyết định này mới chỉ quy định kiểm tra chất lượng đối với loại hàng hóa là đồ chơi cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi.

Đến ngày 26/6/2009, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 18/2009/TT- BKHCN về việc ban hành và thực hiện “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em” thì tất cả các loại đồ chơi trẻ em đều phải được quản lý nhà nước về chất lượng.

Theo Thông tư này thì từ ngày 15/4/2010, tất cả các loại đồ chơi được sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được lưu thông sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và phải được gắn dấu hợp quy.

Trong Quy chuẩn 3:2009/BKHCN về an toàn đồ chơi trẻ em đã quy định rõ loại vật liệu được phép sản xuất cho nhóm trẻ bao nhiêu tuổi, loại đồ chơi được cho vào miệng hay không; quy định giới hạn của các loại hóa chất, các phép thử, các quy định về quản lý nhà nước, quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh loại hàng hóa này...

Quy định nêu rõ các tổ chức, cá nhân phân phối, bán lẻ chỉ được kinh doanh đồ chơi trẻ em bảo đảm chất lượng, có dấu hợp quy và nhãn phù hợp với các quy định hiện hành. Tuy nhiên, không hiểu tại sao đến thời điểm này, hàng loạt đồ chơi trẻ em được bày bán trên thị trường vẫn chưa được gắn dấu hợp quy CR.

Theo nhận định của các cơ quan quản lý nhà nước, công tác quản lý chất lượng loại sản phẩm hàng hóa này sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng dù khó vẫn phải làm vì sự an toàn cho sức khỏe và tính mạng của con trẻ.

Về phía người tiêu dùng, các bậc phụ huynh nên lựa chọn những đồ chơi trẻ em có gắn dấu hợp quy CR để đảm bảo an toàn cho con em mình./.



Các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định thực hiện thử nghiệm/giám định/chứng nhận đồ chơi trẻ em phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 3:2009/BKHCN bao gồm:

1. Trung tâm Chứng nhận Phú hợp (QUACET), số 8 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội.

2. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, số 8 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

3. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, số 49 Pasteur, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2, số 97 Lý Thái Tổ, thành phố Đà Nẵng.


(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục