Những cơn sóng ngầm về mặt bằng lãi suất vẫn đang âm ỉ và ẩn náu dưới nhiều hình thức khác nhau tại các Ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ. Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Chí Thành nhận định đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa đủ "độ chín" để tự do hóa lãi suất.
Lãi suất huy động vượt xa trần
Hiện nay, một số Ngân hàng thương mại cổ phần đã niêm yết công khai mức lãi suất huy động với mức cao. Đơn cử như Ngân hàng Nam Á, lãi suất huy động đang được tính theo hình thang với số tiền càng nhiều, lãi suất càng cao.
Cụ thể, đối với tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng, lãi suất đã là 13%/năm, kỳ hạn 6 tháng lên tới 13,5/năm. Đặc biệt ở ngân hàng này với số tiền từ 500 triệu - dưới 2 tỷ đồng với kỳ hạn 6 tháng sẽ được hưởng lãi suất 13,65%/năm và trên 2 tỷ đồng là 13,75%/năm. Không chỉ có Ngân hàng Nam Á, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), tại bảng niêm yết lãi suất hàng ngày, mức lãi suất cao nhất cũng đã lên tới 13,75%/năm.
Một thực tế nữa đang tồn tại trong huy động lãi suất của các ngân hàng đó chính là việc áp dụng các hình thức khuyến mại để lôi kéo khách hàng. Vô hình chung cách làm đó đã và đang đẩy lãi suất tiết kiệm lên cao.
Chỉ tính riêng đầu tháng 11 này, các ngân hàng đã thi nhau có các chương trình chăm sóc khách hàng như tiết kiệm nhỏ, trúng nhà to của Ngân hàng Vietinbank; nhận quà ngay vận may trúng lớn của LiênVietbank hay gửi càng nhiều, quà càng lớn của BIDV; chương trình ngàn quà tặng, vạn niềm vui của Tiên phong bank....
Chưa phải thời điểm để tự do hóa lãi suất
Theo ông Võ Chí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhìn về dài hạn, việc tự do hóa lãi suất là cần thiết bởi Việt Nam đang trong quá trình thực hiện các cam kết gia nhập WTO và hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, hệ thống quản trị rủi ro của nhiều ngân hàng nhỏ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cần thiết; trong khi đó, rủi ro về tài chính ngân hàng lại mang tính lan truyền hệ thống.
Do vậy, với thời điểm hiện tại, tự do hóa lãi suất là chưa đủ độ chín. Để thực hiện tự do hóa lãi suất, hệ thống ngân hàng phải có cuộc cải tổ về nhiều mặt, từ xây dựng hệ thống quản trị của ngân hàng cho đến minh bạch hóa các thông tin...
Ông Thành cho rằng trong những trường hợp nhất định, việc xử lý tình huống linh hoạt là cần thiết, tuy nhiên mục tiêu, tổng thể của từng giai đoạn cũng phải rõ ràng.
Đối với chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, Bộ Tài chính, cho rằng, hệ thống tín dụng ở Việt Nam hiện nay có khoảng 40 ngân hàng thương mại cổ phần. Các ngân hàng thương mại cổ phần luôn trong tình trạng khát vốn. Do vậy, việc các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất cao để thu hút vốn hơn cũng là lẽ đương nhiên.
Mặc dù họ đã đồng thuận với Hiệp hội Ngân hàng về ngưỡng lãi suất trần là 12%, nhưng trên thực tế nhiều ngân hàng vẫn ngấm ngầm thỏa thuận với khách hàng về lãi suất huy động, hoặc đưa ra nhiều hình thức khuyến mại khác nhau để thu hút vốn.
Theo ông Ánh, các công cụ điều hành chính sách tiền tệ hiện nay của Ngân hàng Nhà nước chưa thực sự giúp được các ngân hàng nhỏ.
"Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng ở Việt Nam lại có độ vênh rất lớn," ông Ánh khẳng định. Ở các nước khác, hoạt động ngân hàng dựa trên sự phân khúc khác nhau nhưng ở Việt Nam điều đó lại chưa thấy. Những ngân hàng nhỏ mới thành lập cũng đều muốn vươn lên thành ngân hàng lớn, muốn thu hút khách hàng nên tìm mọi cách để đẩy lãi suất huy động.
Các ngân hàng lớn thấy vậy cũng tìm cách tăng lãi suất huy động để giữ chân khách hàng. Sự phân khúc không rõ ràng này đã dẫn đến việc các ngân hàng cùng tham gia vào cuộc chạy đua lãi suất một cách không lành mạnh.
Để giải quyết vấn đề điều hành chính sách tiền tệ hiện nay, ông Ánh nhấn mạnh, cần có sự kết hợp đồng bộ giữa các chính sách, cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, mới tìm được lời giải cho bài toán về lãi suất và tỷ giá.
Về phía Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu tổ chức tín dụng tăng cường huy động vốn trong nước và ngoài nước, duy trì cơ cấu vốn khả dụng (tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước, tiền mặt…) ở mức hợp lý, đảm bảo khả năng thanh toán ở mức cao trong những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước còn yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát tốc độ, quy mô và cơ cấu cho vay để cân đối vốn huy động, thực hiện quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng.../.