Nguy cơ bất ổn định

Hiện trạng của nền kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm

5 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lớn nhất, hiện trạng kinh tế thế giới vẫn ảm đạm và nguy cơ bất ổn định vẫn lớn.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Tạp chí Tài chính và Phát triển (F&D) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) số tháng 6/2012 đã đưa ra bức tranh tổng thể kinh tế toàn cầu, trong đó nhấn mạnh 5 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu lớn nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới đầu thập kỷ 1930 của thế kỷ 20, hiện trạng của kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm và nguy cơ bất ổn định vẫn lớn.

F&D, được công bố bằng 6 thứ tiếng, đã đánh giá hiện trạng kinh tế toàn cầu từ nhiều góc độ khác nhau về các nguyên nhân gây khủng hoảng, hiệu quả của các biện pháp cải tổ hệ thống quy chế, tác động của khủng hoảng đến những nạn nhân vô tội của khủng hoảng là các nước thu nhập thấp và các nền kinh tế thị trường mới nổi cũng như những nguy cơ vẫn còn ở phía trước nền kinh tế toàn cầu.

Theo đánh giá này, cho đến khi các thể chế tài chính và các hộ gia đình cân bằng được các quyết toán tài chính, các nền kinh tế phát triển vẫn phải đối mặt với nguy cơ tiến trình phục hồi kinh tế bị đảo ngược mặc dù tiến trình này hiện vẫn trì trệ. Các nền kinh tế thị trường mới nổi và các nước thu nhập thấp tuy vượt qua khủng hoảng kinh tế tương đối nhanh nhưng nay vẫn rất dễ bị tổn thương do các “cú sốc” kinh tế từ bên ngoài. Các quy chế của khu vực tài chính toàn cầu vẫn chưa đầy đủ.

IMF nêu rõ rằng chỉ có những can thiệp chính sách mạnh mẽ và sáng tạo, đặc biệt trong nền kinh tế Mỹ, mới có thể ngăn chặn nguy cơ một cuộc suy thoái tài chính toàn cầu mới. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn phục hồi trì trệ và khủng hoảng nợ công ở châu Âu tiếp tục xói mòn lòng tin và nguy cơ một cuộc suy thoái mới thậm chí tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng đã qua vẫn hiện rõ ở chân trời kinh tế thế giới.

Thế giới đã tránh được chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch trong thời gian khủng hoảng và sau khủng hoảng nhưng nay những biểu hiện nhạy cảm hơn của bảo hộ mậu dịch dường như đã xuất hiện. Các nền kinh tế thị trường mới nổi và các nước thu nhập thấp tuy phục hồi nhanh hơn và sớm hơn so với các nền kinh tế phát triển nhưng giá hàng hóa và nhiên liệu tăng cao đe dọa tiến trình phục hồi của các nền kinh tế này do họ chưa được chuẩn bị tốt để đối phó với nguy cơ của bất cứ cuộc khủng hoảng mới nào.

Tuy nhiên, bà Laura D’Andrea Tyson, chủ tịch nữ đầu tiên của Hội đồng cố vấn kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton, khẳng định tuy bức tranh kinh tế toàn cầu sau 5 năm khủng hoảng chưa sáng sủa nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau đang ngày càng tăng lên của các nền kinh tế thế giới cũng đã đem lại những lợi ích kinh tế khổng lồ bất chấp nguy cơ tái diễn bất cứ cuộc khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế nào của nền kinh tế toàn cầu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục