Hiệp định CPTTP: Cơ hội nào cho các ngành hàng Việt?

Với 10 hiệp định thương mại tự do trước đó, sau nhiều năm thực hiện, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trung bình trên 30%. Nói cách khác, hơn nửa các cơ hội thuế quan đã bị lãng phí trong thời qua.
Hiệp định CPTTP: Cơ hội nào cho các ngành hàng Việt? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TXVN)

Ngày 12/11, Quốc hội sẽ xem xét việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo đánh giá từ giới chuyên gia, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Thêm vào đó, những cam kết trong CPTPP về dịch vụ và đầu tư sẽ tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế, tạo thêm cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo.... Tuy nhiên, sẽ không có ngành nào đương nhiên sẽ được hưởng lợi hoặc bất lợi khi mở cửa theo hiệp định này.

Để làm rõ hơn, Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn với bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI).


[Phê chuẩn Hiệp định CPTPP thể hiện mạnh mẽ chủ trương hội nhập quốc tế]


Không tạo ra cú sốc lớn


 - Với việc gia nhập CPTPP, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam sẽ gặp những thách thức gì trong “một ngôi nhà có quá nhiều cửa,” thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Với 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký và nay có thêm CPTPP, sắp tới nữa là Hiệp định thương mại Việt Nam - châu Âu (EVFTA), Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế có nhiều thỏa thuận thương mại tự do trên thế giới. Và vì vậy, có những ý kiến quan ngại với nền tảng còn thấp, nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể chịu đựng được các tác động từ việc hội nhập quá sâu. Theo các ý kiến này thì là “nhà trổ quá nhiều cửa, không cẩn thận sẽ bị trúng gió.”

Tôi cho rằng việc mở cửa thêm cho các đối tác CPTPP có năng lực mạnh, vốn liếng nhiều (trong bối cảnh Việt Nam đã mở cửa ưu tiên cho hơn 20 đối tác khác có tiềm lực không kém) sẽ đặt ra nhiều thách thức lớn cho các doanh nghiệp nội địa trước những áp lực cạnh tranh ngay trong chính sân nhà.

Thêm vào đó, việc cam kết khá nhiều các quy tắc đằng sau đường biên giới với các tiêu chuẩn thuộc loại cao nhất, khắt khe nhất trong CPTPP trong khi nền tảng pháp luật và môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế sẽ là thử thách đáng kể cho cả Nhà nước và doanh nghiệp trong quá trình thực thi.

Mặc dù vậy, có lẽ hình ảnh “nhà nhiều cửa” cũng không hẳn là đúng với hiện trạng hội nhập hiện nay.

Tôi cho rằng, “nhà” của chúng ta vẫn chỉ mở một cách cửa thôi, nhưng ưu tiên mở rộng hơn cho một số vị khách nhất định, được lựa chọn và theo cách “có đi có lại.”

Trong mười “vị khách” tại CPTPP, có tới bảy “vị khách” Việt Nam đã mở cửa rộng trước đó thông qua nhiều FTA đã có. Như vậy chỉ thêm ba đối tác từ châu Mỹ (Canada, Mexico, Peru). Các quốc gia này chưa có nhiều sự cạnh tranh trực tiếp về hàng hóa, dịch vụ với Việt Nam, do đó cũng không tạo ra cú sốc quá lớn cho các doanh nghiệp trong nước trên thị trường nội địa.

Trước đó, Việt Nam đã mở cửa ưu tiên cho những đối tác còn lớn hơn, cạnh tranh sát sạt như các quốc gia trong khối ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Song, trong những năm qua, các doanh nghiệp đã học cách để chung sống, tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ. Vì vậy, tôi hoàn toàn tin tưởng doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ không quá “sốc” hay “trúng gió” với cạnh tranh từ CPTPP.

Tuy nhiên từ góc độ thể chế và quy tắc, đúng là CPTPP có nhiều cam kết tiêu chuẩn cao, đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi đáng kể.

Nhưng nền tảng cơ bản là WTO vẫn như vậy, CPTPP không phủ nhận hay thay đổi nền tảng này. Do đó việc chúng ta cố gắng thêm ở một số khía cạnh không phải là không thể. Đó là chưa kể tới thực tế là không ít các cam kết trong CPTPP hoàn toàn phù hợp với định hướng cải cách của Việt Nam.

Hơn thế, có CPTPP, Việt Nam có thêm hỗ trợ kỹ thuật, có thêm sức ép hợp lý và gợi ý tiêu chuẩn cho quá trình cải cách.

Hiệp định CPTTP: Cơ hội nào cho các ngành hàng Việt? ảnh 2Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Tìm cơ hội trong thách thức

 - Theo bà, với CPTPP, những ngành nghề nào của Việt Nam sẽ được hưởng lợi cũng như gặp những áp lực cạnh tranh từ phía các đối tác thành viên?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng Ba cho thấy, các ngành thực phẩm, đồ uống, may mặc, da giày… của Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng sản xuất đáng kể nhờ CPTPP.

Nhìn từ góc độ xuất khẩu, ngoài các ngành nói trên, nhóm ngành hóa chất, sản phẩm da và nhựa, phương tiện vận tải, máy móc thiết bị… cũng sẽ có mức tăng đáng kể về xuất khẩu dưới tác động của Hiệp định.

Tuy nhiên, các nhóm ngành nông nghiệp, khai khoáng, sản xuất chế biến kim loại được cho là sẽ giảm cả về sản lượng và xuất khẩu.

 

Về nông nghiệp, mặc dù được đánh giá là sẽ phải chịu tác động bất lợi từ Hiệp định này nhưng không phải nhóm ngành nào cũng tổn thương. Nhìn vào tiềm năng với lợi thế về nông sản nhiệt đới, ngành xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể có nhiều cơ hội trong CPTPP. Nhưng, ngành chăn nuôi lại được cho là sẽ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh năng lực cạnh tranh còn quá yếu, mà đối thủ trong CPTPP lại rất mạnh.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng các nghiên cứu đánh giá tác động này dựa trên nhiều giả thiết nhất định và khi vào thực tế có thể sẽ rất khác.

Không có ngành nào đương nhiên sẽ được hưởng lợi hay gặp bất lợi khi mở cửa theo CPTPP. Do vậy, ngành nào, doanh nghiệp nào nắm bắt được các cơ hội thị trường, có đầu tư hợp lý và đúng hướng thì hoàn toàn có thể kỳ vọng về các lợi ích thu được.

Xin lấy ví dụ về ưu đãi thuế quan, trừ một số rất ít các loại hàng hóa nhạy cảm theo cam kết ưu đãi theo hạn ngạch, với hầu hết các trường hợp khác, hàng hóa của ai đáp ứng được quy tắc xuất xứ CPTPP, có chứng nhận xuất xứ phù hợp, thì sẽ được hưởng ưu đãi. Như vậy, không phải vì doanh nghiệp này đã được ưu đãi thuế quan mà doanh nghiệp khác mất cơ hội này.

- Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, đa phần hoạt động và kinh doanh trên thị trường nội địa. Vậy, khi các cam kết trong CPTPP chính thức có hiệu lực, điều gì sẽ xảy ra khi mà bài học từ quá trình gia nhập WTO có còn nguyên giá trị?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: CPTPP có hiệu lực với Việt Nam đồng nghĩa với việc nền kinh tế sẽ phải mở cửa theo cam kết cho các đối tác đồng thời thực hiện các nghĩa vụ về thể chế và quy tắc trong Hiệp định.

Thử thách cũng phân biệt theo hai nhóm, một là cạnh tranh sẽ phức tạp hơn và gay gắt hơn ngay trên thị trường nội địa; hai là một số các yêu cầu và điều kiện liên quan tới hoạt động kinh doanh sẽ khắt khe hơn, chi phí doanh nghiệp bỏ ra để tuân thủ sẽ cao hơn.

Khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp trong nước cũng đã đối mặt với các thử thách gần tương tự như trên và với 10 FTA cũng gần như vậy. Sau hơn 10 năm nhìn lại, quả thật cũng có không ít những tiếc nuối.

Song không thể phủ nhận, các doanh nghiệp nội địa đã thích ứng rất tốt và điều chỉnh khá nhanh để tiếp tục tồn tại trong một môi trường cạnh tranh hơn. Hệ thống pháp luật về kinh doanh và thể chế kinh doanh cũng chứng kiến một đợt sửa đổi lớn chưa từng có. Dù thế, các doanh nghiệp nội địa hầu như mới chỉ thích ứng mà chưa tận dụng được nhiều lắm cơ hội từ WTO.

Pháp luật đã được sửa đổi, đặc biệt ở các văn bản pháp luật gốc, nhưng còn không ít các vướng mắc, thiếu thống nhất trong các văn bản thực thi, đặc biệt trong công tác tổ chức thực thi của các cơ quan liên quan.

Tương tự với 10 hiệp định thương mại tự do trước đó, sau nhiều năm thực hiện, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan trung bình mới chỉ đạt 30%. Nói cách khác, hơn nửa các cơ hội thuế quan đã bị lãng phí trong thời gian qua.

Nếu bỏ qua những nguyên nhân khách quan hoặc thường xuyên như tình hình kinh tế chung, nguồn cung-cầu, nguồn vốn eo hẹp, có nhiều nguyên nhân chủ quan cho tình trạng này. Ví dụ doanh nghiệp không biết đến các cơ hội từ các cam kết, doanh nghiệp biết nhưng không hành động gì để chớp lấy các cơ hội này, doanh nghiệp có hành động nhưng không hiệu quả do những vướng mắc về thủ tục, quy trình…

Tôi nghĩ, tất cả sẽ là bài học quý cho việc thực thi CPTPP cả với doanh nghiệp và với các cơ quan Nhà nước.

Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các cam kết CPTPP liên quan tới mình, đánh giá các cơ hội thách thức, xây dựng kế hoạch ứng phó và tận dụng, rồi bỏ công sức tiền của để thực hiện kế hoạch đó là những việc phải làm, mà không ai làm thay doanh nghiệp được cả.

Trong khi đó, phía Nhà nước cần chuyển hóa một cách thống nhất, hiệu quả các cam kết vào hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức thực thi các cam kết minh bạch, thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện môi trường kinh doanh để doanh nghiệp giải phóng nguồn lực, tận dụng tốt nhất các cơ hội.

Hiệp định CPTTP: Cơ hội nào cho các ngành hàng Việt? ảnh 3Giá nhân công ở Việt Nam là một trong những lợi thế để thu hút đầu tư thương mại. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Hút đầu tư nước ngoài

- Bà đánh giá như thế nào về thực lực và sự chuẩn bị từ các thành viên khác trong CPTPP đến thời điểm này?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Tôi không có thông tin chính xác và đầy đủ về việc chuẩn bị của các nước đối tác. Mặc dù vậy, đối với sáu nước đã phê chuẩn Hiệp định, hầu hết đều đã có các báo cáo đánh giá tác động cụ thể từ CPTPP với nền kinh tế ở các góc độ khác nhau.

Thậm chí một số nước theo quy định còn phải dự liệu về các nguồn thu, các phương án bù đắp các khoản thu bị mất do cam kết thuế quan trong Hiệp định cũng như các cơ chế vận hành các hệ thống bị ảnh hưởng bởi cam kết thể chế, quy tắc cam kết (như sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm và cơ chế vận hành nội địa trong cấp phép lưu hành thuốc và khả năng tiếp cận thuốc của người dân…). Bên cạnh đó, nhiều nước đã có các cổng thông tin riêng cung cấp thông tin, giải thích, tóm tắt nội dung cam kết trong Hiệp định, giúp doanh nghiệp của họ tiếp cận thông tin dễ dàng và thuận lợi.

Chừng ấy cũng đủ cho thấy Chính phủ và doanh nghiệp các nước đã và đang có các bước chuẩn bị rất tích cực và thiết thực cho CPTPP.


- Với CPTPP, liệu Việt Nam có trở thành một công xưởng gia công với sự dịch chuyển công nghệ lạc hậu quy mô lớn từ các nước láng giềng nhằm tìm kiếm cơ hội xuất khẩu vào các thành viên khác tham gia Hiệp định?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Chuyện doanh nghiệp các nước khác đầu tư vào Việt Nam để tận dụng cơ hội CPTPP là điều đương nhiên sẽ xảy ra từ góc độ tính toán kinh doanh.

Bản thân Việt Nam cũng mở rộng cửa gọi vốn đầu tư từ nước ngoài để có thêm việc làm, thu nhập cho người dân, cũng đóng góp vào ngân sách và sự phát triển của nền kinh tế. Và thu hút đầu tư nước ngoài từ CPTPP là một trong những cơ hội được mong chờ.

Còn chuyện dịch chuyển công nghệ lạc hậu, ô nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam thì đúng là một nguy cơ thực tế nhiều quan ngại, nhưng các cơ quan chức năng đã có không ít công cụ để ứng phó với các nguy cơ như thế này. Cụ thể, các quy hoạch phát triển ngành, các cơ chế sàng lọc, kiểm soát đầu tư hiện tại nếu thực hiện chặt chẽ có lẽ là đủ để ngăn chặn các dự án “rác.”

Vấn đề đặt ra là ở chỗ các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là ở các địa phương nơi nhận đầu tư, có đủ năng lực và chuyên cần để rà soát phát hiện các dự án không đạt yêu cầu, có đủ công tâm, dũng cảm để từ chối các dự án khả năng gây hại trong lâu dài hay không mà thôi.

Trong bối cảnh CPTPP, những nguy cơ dự án FDI “rác” có thể sẽ lớn hơn trước đây. Và, để ngăn chặn nguy cơ này, các cơ quan có thẩm quyền sẽ phải trách nhiệm hơn, tuân thủ chặt chẽ hơn các quy trình giám sát, giỏi giang và hiệu quả hơn trong thẩm định, cấp phép cho các dự án này. Đây có lẽ là cách thức duy nhất có thể làm để đối phó với các nguy cơ này.

- Xin cảm ơn bà!

Hiệp định CPTTP: Cơ hội nào cho các ngành hàng Việt? ảnh 4Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục