Hiệu quả của hoạt động tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu

Bước sang ngày làm việc thứ hai thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm, tham nhũng, nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến là hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Hiệu quả của hoạt động tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu ảnh 1 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Bước sang ngày làm việc thứ hai thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm, tham nhũng, sáng 7/11, nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến là hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Các đại biểu đánh giá, thời quan qua, bộ máy tư pháp đã có nhiều nỗ lực, song chất lượng, năng suất, hiệu quả của hoạt động tư pháp chưa thật sự đáp ứng được mong mỏi và yêu cầu của cử tri.


Tăng cường năng suất, chất lượng, hiệu quả và kỷ luật công vụ

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh), sự chậm trễ trong bộ máy tư pháp là “điều khủng khiếp” với người dân, đồng thời là lực cản lớn với đất nước. “Có những vụ việc rất đơn giản nhưng thời hạn kéo dài; nhiều đơn từ mặc dù lãnh đạo đã ký nhưng bắt người dân chờ đợi đến mấy tuần mới lấy được. Điều đó khiến người dân phải bôi trơn, lót tay hay phải thông qua “cò” để mọi việc được nhanh chóng, suôn sẻ,” đại biểu Trương Trọng Nghĩa dẫn chứng.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội phải có Nghị quyết chấn chỉnh hiện tượng này. Bên cạnh đó, ngành Tư pháp phải củng cố lại để tăng cường năng suất, chất lượng, hiệu quả và kỷ luật công vụ.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Hà Nội) nêu quan điểm về việc đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp thông qua xã hội học, đo lường sự trải nghiệm, hài lòng của người dân.

Theo đại biểu Cường, đây là kênh rất quan trọng nhưng hiện nay chưa thực hiện được. Nếu hoạt động tư pháp khẳng định làm tốt, không có tiêu cực nhưng dư luận, người dân không đánh giá như thế, cơ quan tư pháp cần phải xem lại. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ thông tin, báo chí, mạng xã hội có sức mạnh to lớn; nhiều thông tin tiêu cực về hoạt động tư pháp được đăng tải trên báo chí, mạng xã hội, nếu không có giải trình kịp thời sẽ gây nên sự hoang mang, mất niềm tin trong dư luận.

“Vì vậy, cơ quan tư pháp phải tích cực, chủ động hơn nữa trong hoạt động giải trình. Khi có thông tin trái chiều hoặc thông tin gây hoang mang dư luận, phải giải trình, qua đó tạo niềm tin với hoạt động tư pháp,” đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh.

Không đồng tình với quan điểm của đại biểu Trương Trọng Nghĩa khi cho rằng việc tiêu cực, lót tay, bôi trơn trong hệ thống cơ quan pháp luật đang diễn ra phổ biến và tràn lan, đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) nhấn mạnh lập luận như vậy thiếu cơ sở vững chắc, không mang tính phổ biến trên toàn quốc. “Không phủ nhận rằng, hiện nay, hệ thống cơ quan tư pháp đang tồn tại bất cập như cơ sở vật chất, trang thiết bị cho đội ngũ làm công tác này chưa được quan tâm đúng mức; năng lực, trình độ cán bộ còn hạn chế; nhưng trong hơn 500.000 vụ án mà ngành Tòa án xét xử hàng năm, hàng trăm nghìn vụ án, vụ việc được khởi tố thì việc tiêu cực, phạm pháp hay vi phạm luật chiếm tỷ lệ bao nhiêu trong số những con số này,” đại biểu Mai Khanh đặt câu hỏi.

Đại biểu chỉ rõ, khi nêu lên một vấn đề gì, việc “tô hồng” cần chính xác nhưng việc “bôi đen” cần phải thận trọng hơn; đồng thời khẳng định, việc thượng tôn pháp luật trong đời sống xã hội cần phải đặt lên hàng đầu.


[Nâng cao chất lượng công tác điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng]

Cho rằng mỗi ý kiến của đại biểu Quốc hội đều có sự lan tỏa, ảnh hưởng rất lớn trong cử tri, bởi đó là những “khuôn vàng, thước ngọc,” nhận xét đánh giá phải làm sao cho thật khách quan, chính xác, công bằng, công tâm, không "tô hồng" và cũng không thái quá, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) tranh luận với quan điểm của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) về phát biểu "củi tươi, củi khô" vẫn an toàn sau những ồn ào gây bức xúc, sau nhiều năm thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình, tình trạng ngày càng báo động; phải chăng những lỗ hổng pháp lý, tính kỷ cương, kỷ luật trong thực thi quyền hành, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận cán bộ trong cơ quan tư pháp đang bị xem nhẹ...

Phân tích các số liệu từ ba báo cáo của Bộ Công an, Viện kiểm sát và Tòa án, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nhận, định tình hình tội phạm năm 2017 giảm so với năm 2016, trong đó tội phạm về trật tự xã hội giảm 5,48% về số vụ và 8,08% số bị can. Tội phạm có tổ chức giảm trên 45,86%. Tội phạm sử dụng vũ khí nóng giảm 21,58%...

Đại biểu cho rằng Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia lý tưởng để du lịch với mức độ nguy hiểm thấp nhất. Với 197 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mà Việt Nam được xếp hạng như vậy không phải là điều dễ dàng.

Đây là sự quy kết một chiều, lấy những hiện tượng cá biệt không phổ biến để đánh giá, phủ nhận cả một chính sách pháp luật lẫn thực tiễn thành quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nêu rõ.


Đội ngũ công chức Tòa án chịu sự giám sát nhiều nhất

Phát biểu về phòng chống tội phạm và công tác của Tòa án chiều 6/11, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đã nêu thực trạng về việc một số thẩm phán, cán bộ tòa án do những cám dỗ đã từ bỏ hoặc thực hiện sai lệch chuẩn mực của người cầm cân. Bên cạnh những cố gắng và kết quả đạt được, nơi nương náu của công lý vẫn là nơi còn nhiều nguy hiểm, là nơi người dân thiếu tin cậy.

Đại biểu Nhưỡng cho rằng, người dân vẫn kêu ca về án từ, thái độ, tác phong, việc kéo dài, trì hoãn, chỗ thì vi phạm tố tụng, nơi thì vòi vĩnh tiền bạc. Tình trạng báo cáo xin chỉ đạo thành chỉ thị án vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, thậm chí ngày một phức tạp, đến mức có thẩm phán chính trực không chịu nổi. Qua nhiều trường hợp cho thấy nguyên tắc độc lập xét xử dường như còn mới chỉ tồn tại trên văn bản pháp luật, trong khi đó lại là nguyên tắc cốt tử của tố tụng tư pháp.

Khẳng định 27 năm công tác trong ngành Tòa án với “cống hiến trong sạch,” trước ý kiến của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) không khỏi tâm tư “đại biểu nói như vậy, tôi có nguy cơ không có quyền tự hào là mình đã từng có 27 năm cống hiến cho ngành Tòa án.”

Theo đại biểu Bộ, trong số đội ngũ cán bộ, công chức của nước ta, đội ngũ công chức Tòa án, đặc biệt là thẩm phán chịu sự giám sát nhiều nhất, giám sát cả cơ chế tiền kiểm và cơ chế hậu kiểm. Với cơ chế tiền kiểm, tại phiên tòa, trước khi ban hành bản án, thẩm phán bị những người tham gia tố tụng giám sát, trong đó đặc biệt là hai đối tượng: kiểm sát viên và luật sư với tư cách là người bào chữa hoặc là người bảo vệ cho đương sự, là những người có kiến thức pháp luật rất cao. Đó là chưa kể đến đội ngũ phóng viên báo chí được tham dự những phiên tòa công khai. Còn theo cơ chế hậu kiểm, thẩm phán bị viện kiểm sát cùng cấp, viện kiểm sát cấp trên, tòa án cấp trên giám sát vô thời hạn.

Hiệu quả của hoạt động tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đưa ra con số chỉ có 0,45% vụ án bị hủy do lỗi chủ quan chủ quan là lỗi của cá nhân thẩm phán và chỉ có 1,09% sai do lỗi chủ quan của tòa án, đại biểu Bộ cho biết, một thẩm phán bị hủy, sửa, đặc biệt là chỉ bị sửa 0,7% bản án đã không được thi đua, chưa nói tới quy chế là tổng kết, thẩm phán còn bị dừng không được làm nhiệm vụ thẩm phán, không được bổ nhiệm.

Không phủ nhận trong ngành Tòa án có tiêu cực, song, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng tiêu cực chỉ nằm ở một số lượng nhất định. Nếu thống kê số cán bộ tòa án bị đi tù về hối lộ, tham nhũng, số lượng này chỉ là một phần, không phải là tổng số 14.000 cán bộ tòa án. “Đối với án dân sự, kinh tế, hôn nhân và gia đình, hai bên, bên bị và bên nguyên, chúng tôi khẳng định không bao giờ chúng tôi được lòng tất cả. Bên này họ thắng, họ ca ngợi tòa án chúng tôi ngon.Bên kia họ thua, đương nhiên là sẽ không ca ngợi chúng tôi và thậm chí họ còn chửi,” đại biểu bày tỏ.

Đại biểu Bộ cũng nêu lên những tấm gương mà ông cho rằng là gương sáng trong thực tiễn hoạt động xét xử của tòa án như vụ án Trương Hồ Phương Nga do Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử đầu năm 2017; vụ án VN Pharma mà Tòa án Cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh vừa xử xong. Tại các phiên tòa này, nguyên tắc tranh tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự mới được thể hiện rất rõ nét và kết quả tranh tụng đưa ra phán quyết mà đại biểu thấy rất hài lòng.

“Nếu như chúng ta nói phần đa hoặc rất nhiều tòa án như vậy, có lẽ phải chăng là chúng ta làm đau lòng những thẩm phán. Có những thẩm phán tôi được biết như Thẩm phán Tòa án Nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) xử vụ án dân sự chỉ có một bên thắng, bên không thắng tưới cả axit vào mặt, 12 năm chữa trị, bốn lần phẫu thuật mà đến giờ gương mặt cũng chỉ lấy lại ở mức nào”, đại biểu Bộ tâm tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục