Hộ chiếu Logistics Thế giới - thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt

Hộ chiếu Logistics Thế giới - thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp VN

Tham gia vào Chương trình Hộ chiếu Logistics Thế giới, Việt Nam có cơ hội phát huy hiệu quả vị trí chiến lược là một trung tâm trung chuyển và sản xuất của cả khu vực và thế giới.
Hộ chiếu Logistics Thế giới - thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp VN ảnh 1Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi phát biểu. (Ảnh: Bộ Công Thương)

Ngày 14/8, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ quán Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại Việt Nam và Chương trình Hộ chiếu Logistics Thế giới (WLP) tổ chức Hội thảo khai phá tiềm năng hợp tác về logistics giữa Việt Nam và UAE.

Sự kiện diễn ra nhân dịp hai nước tiến hành nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương, đã tóm tắt một số nét chính về nền kinh tế Việt Nam và tình hình hợp tác thương mại với UAE.

Theo ông Trần Quang Huy, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế năng động nhất trong khu vực và thế giới, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba ASEAN.

Về ngoại thương, Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế với kim ngạch suất nhập khẩu năm 2022 đạt gần 735 tỷ USD. Về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã tham gia vào 16 hiệp định thương mại tự do với nhiều đối tác lớn trên thế giới.

Trong lĩnh vực logistics, Việt Nam được xếp thứ 11/50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm, giai đoạn 2022-2027 dự báo đạt mức 5,5%. Việt Nam hiện cũng có khoảng 30.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics.

Trong khi đó, UAE là nền kinh tế hàng đầu khu vực Trung Đông. Sáng kiến Hộ chiếu Logistics Thế giới (WLP) là 1 trong 9 sáng kiến tại Chiến lược Con đường Tơ lụa Dubai được UAE triển khai từ năm 2019, với tham vọng đưa Dubai trở thành nơi liên kết thương mại chiến lược trên thế giới.

Đến nay, đã có 29 quốc gia đăng ký tham gia mạng lưới WLP. Việt Nam đã có tên trong danh sách các trung tâm logistics và thương mại của khu vực (Hub) thuộc mạng lưới WLP.

Với vị trí, vai trò của UAE hiện nay tại Trung Đông, sự hợp tác hiệu quả với UAE trong lĩnh vực logistics (dịch vụ hậu cần) sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông, cũng như các khu vực khác trên thế giới.

Việc tạo thuận lợi cho thương mại, tăng tính cạnh tranh quốc gia là những nhiệm vụ không những của ngành Công Thương mà còn cả hệ sinh thái logistics quốc gia.

[Hợp tác kinh tế là điểm sáng trong quan hệ song phương Việt Nam-UAE]

Ngài Bader Abdulla Al Matrooshi, Đại sứ UAE tại Việt Nam cho biết UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông và Việt Nam thuộc top 10 đối tác nhập khẩu lớn nhất của UAE trên thế giới.

Trong giai đoạn 2018-2022, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước được duy trì ổn định ở mức 5 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Đông.

Thông qua UAE, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội tiếp cận tới nhiều quốc gia trong khu vực.

Đại sứ UAE tại Việt Nam tin tưởng rằng Sáng kiến WLP sẽ góp phần nâng cao lợi ích kinh tế, thu hút sự quan tâm tham gia của nhiều đối tác, từ đó đẩy mạnh kim ngạch hai chiều.

Đại diện cho Chương trình WLP, ông Abdulla Alsuwaidi - Giám đốc Hubs và Đối tác toàn cầu đánh giá, với vị trí chiến lược là một trung tâm trung chuyển và sản xuất tại Đông Nam Á, Việt Nam sẽ là Hub quan trọng thuộc mạng lưới WLP.

Hộ chiếu Logistics Thế giới - thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp VN ảnh 2Kho bãi chứa container tại cảng Tân Vũ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

WLP đang lựa chọn các đối tác một cách chiến lược dọc hành trình chuỗi cung ứng và logistics nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại và hướng tới việc tăng cường xuất nhập khẩu đa dạng các giữa các Hubs.

Thông qua WLP, kết nối thương mại giữa các quốc gia sẽ tốt hơn, các nhà thương mại có thể được hưởng lợi từ hoạt động vận chuyển hàng hóa qua Dubai với những thuận tiện trong chuyển cảng và thông quan.

Nhân dịp này, các đại biểu tham dự Hội thảo đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa WLP và 9 đối tác doanh nghiệp của Việt Nam.

Chúc mừng các doanh nghiệp đã đàm phán, ký kết thành công thỏa thuận hợp tác với WLP tại hội thảo, ông Trần Quang Huy hy vọng thông qua những hoạt động hợp tác với WLP, doanh nghiệp, tổ chức của Việt Nam sẽ thu được những lợi ích đáng kể trong hoạt động vận tải hàng hóa, dịch vụ logisitcs; mở rộng hoạt động kinh doanh; góp phần giảm thiểu chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Thời gian tới, WLP và các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội của Việt Nam cần tiếp tục trao đổi, nghiên cứu, tập trung tháo gỡ các nút thắt của chuỗi cung ứng trong từng lĩnh vực và ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bị gián đoạn do những ảnh hưởng của tình hình bất ổn trên toàn thế giới.

Điều này sẽ góp phần thúc đẩy nhiều đối tác tiềm năng của Việt Nam tham gia vào mạng lưới WLP, phát huy hiệu quả vị trí chiến lược của Việt Nam là một trung tâm trung chuyển và sản xuất của khu vực và thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục