Cố tình lờ tác quyền

"Họ đã cố tình lờ và không có ý định trả tác quyền"

Nhạc sĩ Phó Đức Phương khẳng định, nhà tổ chức show Chế Linh đã "cố tình làm phép" để trốn tránh nghĩa vụ trả tác quyền các ca khúc. 
Gần đây, một số chương trình biểu diễn nghệ thuật không thực hiện nghĩa vụ bản quyền, thậm chí bị  thu hồi giấy phép biểu diễn lại tiếp tục được sáng đèn sân khấu đã gây ra những dư luận lùm xùm.

Chiều ngày 15/11/2011, tại Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam diễn ra cuộc họp báo về thời sự quyền tác giả âm nhạc, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi cùng nhạc sĩ Phó Đức Phương-Giám đốc Trung tâm bảo vệ Bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam xung quanh vấn đề này.

- Ông có thể nói đôi nét ngắn gọn về công việc bảo vệ bản quyền cho các nhạc sĩ và thông tin mới nhất về việc phân phối tiền bản quyền trong quý III vừa qua?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: 
Số thành viên là các nhạc sĩ gửi ủy thác cho Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã lên tới trên 2000 người. Nhận ủy thác của các thành viên,  Trung tâm chúng tôi có nghĩa vụ theo dõi, cập nhật mọi hoạt động có liên quan đến sử dụng tác phẩm âm nhạc.

Trong thời gian qua, nhờ hoạt động của chúng tôi mà trên 2000 thành viên, người ít, người nhiều đã có tiền bản quyền âm nhạc Có người chỉ nhận được 200.000 đ/năm họ cũng rất vui, nhưng riêng quý III vừa qua có tới 20 người nhận được con số 30 triệu, 15 người 40 triệu, và có người nhận tới 73 triệu, như tác giả của ca khúc “Vầng trăng khóc.” 

- Quan điểm của ông về một số vấn đề "nổi cộm" gần đây liên quan đến biểu diễn, bản quyền là như thế nào?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương:
Trong thời gian vừa qua chắc các bạn đã thấy những vấn đề bức xúc nổi lên trong hoạt động biểu diễn ca nhạc. Điển hình là xung quanh việc cấp phép cho show diễn Chế Linh. Ở đây không chỉ là sự chồng chéo, mà -như từ của báo Tiền Phong- còn là  "ngọng nghịu," "làm mất mặt lẫn nhau" của các cơ quan chức năng  cấp phép mà còn là sự mất niềm tin của tác giả âm nhạc trong vấn đề cấp phép đó.

Khẳng định đầu tiên của các cơ quan chức năng và của chúng tôi là vấn đề không nằm ở nghệ sĩ biểu diễn nói chung và Chế Linh nói riêng mà là ở khâu tổ chức với các vấn đề thực thi pháp luật, trong đó có Luật Sở hữu trí tuệ với vi phạm bản quyền tác giả âm nhạc rất nghiêm trọng.

Băng rôn áp phích treo quá mức quy đinh, treo trước ngày cấp phép và sai nội dung cấp phép. Việc treo trước và treo vượt mức cho phép ảnh hưởng đến các đơn vị khác. Chúng ta chỉ có một không gian nếu người này vượt có nghĩa là người khác không treo được. Vấn đề này tôi chỉ nói sơ qua vì nó không thuộc lĩnh vực của chúng tôi. Tuy nhiên, đã làm văn hóa thì chúng ta phải biết.

Việc hát không đúng danh mục xin cấp phép, không chỉ để nói đến những bài hát không được phép hát, mà ở đây chúng tôi nói đến những bài hát không nằm trong danh mục xin hát mà vẫn hát, nó cho thấy sự "lươn lẹo" của nhà tổ chức. Tôi nói riêng về khía cạnh bản quyền, nếu họ hát đúng danh mục, đồng nghĩa họ phải trả tiền bản quyền những bài hát đó. Chúng tôi có cử người đi xem kiểm tra hay không thì cứ theo danh mục mà tính tiền bản quyền. Họ hát bài hát ngoài danh mục, nếu chúng tôi không ghi âm lại được là chúng tôi không thu được của họ.

- Còn những sai phạm trực tiếp với chủ sở hữu tác phẩm là các nhạc sĩ mà trung tâm của ông làm đại diện?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương:
Pháp luật quy định khi sử dụng bài hát, chỉ trừ lĩnh vực phát sóng là không phải xin phép trước, còn lại tất cả đều phải xin phép trước và thỏa thuận mức giá với tác giả - chủ sở hữu tác phẩm. Mà chúng tôi là người được các tác giả ủy thác quyền, có nghĩa là phải thỏa thuận với chúng tôi. Việc này, cũng được ghi trong Giấy phép biểu diễn.

Nhiều đơn vị đã nghiêm túc thực hiện. Nhưng như gần đây nhất là nhà tổ chức show Chế Linh thì không thực hiện, điển hình là nhân vật bầu Tiến.

Trước đó, cũng ông Hoàng Tiến này trong các show Quang Lê, Đàm Vĩnh Hưng cũng trốn tránh trách nhiệm, chúng tôi đã gửi công văn lên các cơ quan Bộ, Sở. Thanh tra các Bộ và Sở đã mời ông Tiến lên, và ông Tiến hứa sẽ thực hiện, sau đó ông Tiến có đến chỗ chúng tôi để thỏa thuận mức giá. Nhưng bao giờ ông Tiến cũng là người chủ động đưa ra mức giá, với mức không thể chấp nhận được. Rồi ông Tiến về và cho đến nay vẫn không quay lại.

Tiếp đến show Chế Linh. Khi, show diễn có lệnh hủy của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, ông Tiến nói sẽ sửa sai. Thực sự sửa sai như thế nào, ai cũng thấy rõ. Việc ông  đưa ra với một số tờ báo tờ hóa đơn mà ông đã nộp ở Thanh Hóa với mức nộp ưu tiên, trong khi chương trình diễn ra ở các thành phố lớn với giá vé cao nhất tới 3 triệu đồng.

Chưa hết, trong các lần đàm phán liên quan đến bản quyền, ông Tiến lần nào ông cũng đến vào cái thời điểm sát nút đêm diễn. Vì thế, tại show diễn 12.11 ở Mỹ Đình mặc dù  trên văn bản, Cục Biểu diễn Nghệ thuật ghi rõ  là Nhà hát ca múa nhạc Việt Bắc chịu trách nhiệm, nhưng thực tế thì cách làm vẫn là của ông Hoàng Tiến. Đại diện của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Bắc đến Trung tâm Bản quyền vào vào lúc 18h30 phút, ngày thứ sáu 11/11 ( ngày làm việc cuối của tuần). May mà bộ phận Cấp phép vẫn còn ở văn phòng, tuy nhiên, cái ông đại diện đó cũng lại đưa ra cái mức giá không chấp nhận được.

Dường như họ chỉ cần không thỏa thuận được và họ sẽ đổ lỗi cho chúng tôi là họ đã đến xin phép và thỏa thuận rồi nhưng không thỏa thuận được.Thực chất, họ chỉ làm “phép” giả dối như thế thôi, không hề có ý định trả tiền tác quyền cho tác giả.

Ngay cả cái giấy ủy quyền của công ty Quyên Gia Bình để cho ông Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Bắc là do vợ Hoàng Tiến ký. Cũng như ngay trong đêm diễn ông Hoàng Tiến vẫn lên sân khấu nói công khai rằng, chính ông là người tổ chức show diễn. Như vậy, chúng ta nên hiểu thế nào đây?

- Vậy vấn đề cần nhấn mạnh rõ ở đây là gì, ông có kiến nghị gì không, thưa nhạc sĩ?


Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Vấn đề ở chỗ... khi mà Luật Sở hữu trí tuệ điều  20, khoản 3 quy định: “Tổ chức, cá nhân khi khai thác sử dụng, một hoặc các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3 của Luật này, phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả…” nhưng các nhà tổ chức một khi đã xin được Giấy phép biểu diễn họ tự coi là đã đủ, và họ cứ diễn.

Họ phớt lờ chuyện xin phép, thỏa thuận. Các tác giả không biết trông mong vào đâu khi mà một tổ chức có nghiệp vụ kỹ thuật, có uy tín trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả âm nhạc như Trung tâm của chúng tôi mà còn bó tay trước sự ngang nhiên chiếm đoạt của họ.

Chúng tôi gửi rất nhiều công văn tới các cơ quan Bộ, Sở, Thanh tra văn hóa, nhưng chế tài xử phạt còn hạt chế. Một chiếc vé cao nhất tới 3 triệu, thấp nhất 500 ngàn, một đêm diễn có thể tới 4000 vé bán ra,  riêng tiền bán vé ước nhẩm cũng lên đến vài ba tỷ,  thì chế tài xử phạt tối đa là 8 triệu làm sao đủ sức răn đe?

Mong Cục nghệ thuật biểu diễn hiểu thấu vấn đề này, phép biểu diễn của Cục chỉ là thủ tục hành chính với vấn đề an ninh văn hóa, chứ cái phép của tác giả cấp cho đơn vị sử dụng là phải do tác giả hoặc người thay mặt tác giả cấp, mới đúng tinh thần pháp luật./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục