Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo và cận nghèo.
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phần lớn người khuyết tật Việt Nam sống ở vùng nông thôn, nhiều người khuyết tật sống ở vùng sâu, vùng xa, nên cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn.
Nhân kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4), Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam Aler Grubbs (Giám đốc USAID Việt Nam) đã có những chia sẻ với VietnamPlus về những hỗ trợ của Hoa Kỳ với công tác chăm sóc sức khỏe cho người Việt Nam hiện nay.
Hợp tác để giải quyết những thách thức
- Bà có đánh giá về thực trạng người khuyết tật ở Việt Nam hiện nay?
Giám đốc USAID Việt Nam: Người khuyết tật tại Việt Nam và trên toàn thế giới phải đối mặt với nhiều rào cản giống nhau liên quan đến tiếp cận và hòa nhập, bao gồm tiếp cận giáo dục, việc làm và giao thông… và hòa nhập vào quá trình ra quyết định, chính sách cũng như các sự kiện có ảnh hưởng đến họ.
Tấm gương người khuyết tật: Vượt khó vươn lên, không để khuyết tật là cản trở
Người nghệ sỹ khiếm thị đa tài Bùi Ngọc Thịnh, chủ trang trại Nguyễn Bá Tâm là 2 trong số 198 tấm gương người khuyết tật tiêu biểu, nỗ lực vượt khó, có đóng góp cho xã hội được tôn vinh.
Trong hơn 30 năm qua, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể nhằm khắc phục những rào cản đó. Năm 2010, Luật Người khuyết tật được thông qua đã mở đường cho các chính sách và quy định nhằm bảo vệ đầy đủ quyền và lợi ích của người khuyết tật. Năm 2014, Việt Nam chính thức phê chuẩn Công ước Quốc tế về Quyền của Người khuyết tật. Những nỗ lực này đã tạo thuận lợi cho việc hòa nhập và tham gia của người khuyết tật vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
- Theo bà hiện nay việc cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng và hỗ trợ xã hội trực tiếp cho người khuyết tật tại Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu?
Giám đốc USAID Việt Nam: Phục hồi chức năng là một dịch vụ thiết yếu và thường là dịch vụ đầu tiên mà người khuyết tật tìm đến. Dịch vụ phục hồi chức năng sẵn có, dễ tiếp cận và phù hợp với khả năng chi trả sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều người khuyết tật để giúp họ có cuộc sống độc lập. Các dịch vụ phục hồi chức năng hiện đại ngày nay hướng tới một mô hình toàn diện và đa chuyên ngành, bao gồm vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần và tâm lý. Phục hồi chức năng hiệu quả sẽ là điều kiện tiên quyết để người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ khác như giáo dục, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ xã hội khác.
Người khuyết tật chiếm tới 7% dân số Việt Nam, do đó nhu cầu về các dịch vụ phục hồi chức năng rất lớn. Tuy nhiên, theo báo cáo khảo sát năm 2020 của Bộ Y tế, nhân lực phục hồi chức năng ở tất cả các cấp đều thiếu. Cụ thể, nhân lực phục hồi chức năng ở tuyến quận/huyện mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu dịch vụ phục hồi chức năng. Như vậy, chúng ta cần cải thiện các hệ thống dịch vụ phục hồi chức năng, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần giới thiệu các chuyên ngành phục hồi chức năng mới và tiếp tục phát triển hạ tầng, các công nghệ trợ giúp cũng như tăng cường nguồn lực tài chính cho lĩnh vực phục hồi chức năng tại Việt Nam.
Như vậy, số người đang có nhu cầu có thể tiếp cận các dịch vụ bền vững và chất lượng cao sẽ tăng cao hơn. Chính phủ Hoa Kỳ đang hợp tác với Việt Nam để giải quyết những thách thức này.
Thúc đẩy quyền bình đẳng cho người khuyết tật
- Trong 30 năm qua, Chính phủ Hoa Kỳ thông qua USAID đã hỗ trợ người khuyết tật ở Việt Nam như thế nào? Bà có thể cho biết những kết quả nổi bật từ các hoạt động hỗ trợ này?
Giám đốc USAID Việt Nam: Kể từ năm 1991, trong khuôn khổ nỗ lực khắc phục những vấn đề còn tồn lại sau chiến tranh, Chính phủ Hoa Kỳ đã đóng góp hơn 155 triệu USD nhằm hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người khuyết tật Việt Nam. Chương trình hỗ trợ người khuyết tật của chúng tôi tại Việt Nam có quy mô lớn nhất và lâu đời nhất với USAID toàn cầu.
Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), đang cung cấp hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực, bao gồm dịch vụ phục hồi chức năng, chăm sóc tại nhà, dịch vụ xã hội, cải thiện tính tiếp cận, thúc đẩy hòa nhập kinh tế và hỗ trợ tăng cường thực hiện các chính sách của Việt Nam về người khuyết tật. Hỗ trợ của chúng tôi tập trung ở những tỉnh bị phun rải nhiều chất da cam.
Hỗ trợ của chúng tôi có đóng góp đáng kể trong việc thúc đẩy quyền bình đẳng cho người khuyết tật, trong đó có nỗ lực gỡ bỏ các rào cản đối với sự hòa nhập và tham gia của người khuyết tật vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Những kết quả nỗ lực cụ thể đã đạt được gồm việc thông qua Luật Người khuyết tật và thành lập Ủy ban quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, một mô hình áp dụng theo những thực hành tốt nhất trên thế giới.
Chúng tôi cũng hỗ trợ xây dựng các chương trình cử nhân về các chuyên ngành phục hồi chức năng: Chương trình cử nhân Hoạt động trị liệu được bắt đầu được giảng dạy năm 2016 và Chương trình cử nhân Ngôn ngữ trị liệu bắt đầu được giảng dạy năm 2017. Đây là các chương trình lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Tính từ năm 2016, USAID đã hỗ trợ khoảng 300 sinh viên hoàn thành chương trình cử nhân hoặc sau đại học ở các chuyên ngành Hoạt động trị liệu và Ngôn ngữ trị liệu. USAID cũng hỗ trợ các trường đại học triển khai các Chương trình Thạc sĩ về Vật lý trị liệu và Ngôn ngữ trị liệu. Những kết quả này đã góp phần đáng kể giúp Việt Nam tăng cường đội ngũ chuyên gia phục hồi chức năng tay nghề cao, giúp cho nhiều cộng đồng lần đầu tiên tiếp cận với các dịch vụ phục hồi chức năng.
Bên cạnh đó, với mục tiêu giúp mở rộng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế thiết yếu, USAID hỗ trợ quá trình sửa đổi một số quy định về bảo hiểm y tế, từ đó giúp tăng số lượng các dịch vụ phục hồi chức năng được bảo hiểm chi trả lên gấp 10 lần trong giai đoạn từ 2015 đến 2018.
- Chính phủ Hoa Kỳ thông qua USAID đã hỗ trợ rất nhiều hoạt động tăng cường khả năng tiếp cận cho người khuyết tật tại Việt Nam. Theo bà những biến chuyển gì quan trọng đáng ghi nhận?
Giám đốc USAID Việt Nam: Thông qua hỗ trợ từ USAID, năm 2022 Việt Nam đã phê duyệt các quy tắc và quy chuẩn đối với các công trình công cộng, tiếp theo đó là các quy định về tiếp cận trong giao thông công cộng, các tiêu chuẩn về tiếp cận đối với hoạt động thông tin và truyền thông.
Tính đến nay, hơn một nửa số sân bay của Việt Nam đã cải thiện hạ tầng tiếp cận cho các hành khách là người khuyết tật. Việc tăng cường tiếp cận đối với xe buýt đã được tăng cường không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác như Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Phú Quốc và Thành phố Hồ Chí Minh.
Gần đây, Bộ Giao thông vận tải cũng đã ban hành các quy chuẩn quốc gia đầu tiên về giao thông công cộng tiếp cận - đây là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực chung của chúng ta.
Nền tảng để xây dựng lòng tin
- Bà có thể cho biết, thời gian tới, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ dành cho người khuyết tật tại Việt Nam như thế nào?
Giám đốc USAID Việt Nam: Chúng tôi sẽ tiếp tục những nỗ lực hiện nay để đáp ứng các nhu cầu về y tế và xã hội, cải thiện chính sách về người khuyết tật, giảm thiểu các rào cản vật lý và xã hội, qua đó tạo thuận lợi để người khuyết tật có thể tham gia và hòa nhập một cách có ý nghĩa vào mọi hoạt động của xã hội.
USAID hiện đang hợp tác với Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET); Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế và chính quyền tại 9 tỉnh (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Kon Tum và Bạc Liêu) nhằm cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật Việt Nam.
Chúng tôi đang trong quá trình mở rộng phạm vi hỗ trợ tại một số địa bàn mới. Tháng trước, chúng tôi mới khởi động chương trình hỗ trợ người khuyết tật tại tỉnh Bạc Liêu và chúng tôi dự kiến sẽ sớm khởi động chương trình này tại tỉnh Cà Mau, nâng tổng số tỉnh hỗ trợ lên 10 tỉnh.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ tăng cường sự tham gia của người khuyết tật vào quá trình xây dựng và thực thi các chính sách và chương trình triển khai theo Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về tiếp tục củng cố, cải thiện và nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Hợp tác của chúng tôi về khắc phục những vấn đề còn tồn lại sau chiến tranh được coi là nền tảng để xây dựng lòng tin, thể hiện cam kết của chúng tôi và góp phần củng cố quan hệ đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ trên nhiều ưu tiên chung cho tương lai.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
Video Đại sứ Hoa Kỳ Marc Knapper cùng tìm hiểu về những tác động tích cực của tiếp cận phổ quát tới giao thông công cộng đối với cuộc sống của người khuyết tật: