Tối 24/3, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thông báo ông đã nhất trí với Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach về việc lùi thời gian tổ chức Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020.
Đây là quyết định đầy khó khăn nhưng cần thiết trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới.
Theo kế hoạch ban đầu, Olympic 2020 sẽ được tổ chức tại thủ đô Tokyo và một số địa phương ở Nhật Bản từ ngày 24/7 đến ngày 9/8, trong khi Paralympic 2020 sẽ diễn ra từ ngày 25/8 đến ngày 6/9.
Tuy nhiên, giờ đây, không ai biết chính xác khi nào các sự kiện này sẽ được tổ chức.
[UEFA hoãn vô thời hạn các trận chung kết giải đấu cấp câu lạc bộ]
Phát biểu với các phóng viên, Thủ tướng Abe nói ông đã tái khẳng định với Chủ tịch IOC rằng các sự kiện thể thao này sẽ không bị hủy. Hai bên đã nhất trí về việc tổ chức Olympic và Paralympic sớm nhất là vào mùa Hè 2021.
Bốn năm trước, nhiều người đã kêu gọi hủy hoặc hoãn Olympic 2016 ở Rio de Janeiro, Brazil do sự bùng phát của virus Zika, nhưng cuối cùng, thế vận hội này vẫn được tổ chức theo đúng kế hoạch khi dịch bệnh này đã tạm lắng ngay trước lễ khai mạc.
Cho đến gần đây, chính quyền của Thủ tướng Abe vẫn nuôi hy vọng một phép màu tương tự sẽ xảy ra.
Tuy nhiên, hy vọng đó đã vụt tắt khi ngày 23/3, ông Tedros Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết hầu như tất cả nước trên thế giới đều có người mắc COVID-19, với tổng số ca nhiễm đã vượt ngưỡng 300.000.
Đáng chú ý, tốc độ lây lan của dịch COVID-19 đang tăng mạnh khi mà, khoảng thời gian để số ca mắc COVID-19 tăng từ 0 lên 100.000 ca là 67 ngày, và từ 100.000 ca lên 200.000 ca là 11 ngày, nhưng từ 200.000 ca lên 300.000 ca chỉ còn 4 ngày.
Trong bối cảnh đó, Nhật Bản và IOC phải đối mặt với sức ép rất lớn từ nhiều phía.
Do lo ngại về sự lây lan của dịch COVID-19, Canada và Australia đã khẳng định sẽ không cử vận động viên tham dự nếu Olympic và Paralympic vẫn diễn ra vào mùa Hè này, trong khi một số nước khác, trong đó có Mỹ - đồng minh quan trọng nhất của Nhật Bản, kêu gọi hoãn các sự kiện trên.
Ở trong nước, kết quả thăm dò dư luận vào cuối tuần trước của nhật báo Yomiuri cho thấy có tới 69% số người được hỏi ủng hộ phương án hoãn, trong khi chỉ có 17% ủng hộ quyết tâm tổ chức theo đúng kế hoạch và 8% cho rằng cần hủy các sự kiện này.
Bên cạnh đó, mặc dù ngọn đuốc Olympic đã được thắp lên tại Hy Lạp vào ngày 12/3 và lễ rước đuốc tại Nhật Bản dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/3 tới, nhưng theo IOC, cho đến nay, mới có 57% vận động viên đủ tư cách tham dự.
Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều giải đấu loại chuẩn bị cho Olympic và Paralympic 2020 đã bị hoãn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cuối cùng, Thủ tướng Abe đã phải đưa ra một lựa chọn khó khăn nhưng cần thiết là lùi thời gian tổ chức Olympic và Paralympic.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc điện đàm với Chủ tịch IOC vào tối 24/3, Thủ tướng Abe nhấn mạnh sự an toàn của các vận động viên và khán giả tới dự khán các sự kiện thể thao quốc tế này đóng vai trò quan trọng trong quyết định lùi thời gian tổ chức.
Nhật Bản đã đề nghị Chủ tịch IOC xem xét lùi thời gian tổ chức Olympic sang năm sau để đảm bảo các vận động viên trên khắp thế giới có thể thi đấu trong điều kiện tốt nhất có thể và đảm bảo sự an toàn, an ninh của các khán giả.
Với quyết định hoãn Olympic và Paralympic, Nhật Bản chắc chắn sẽ phải hứng chịu tổn thất lớn về kinh tế.
Ông Toshihiro Nagahama, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Dai-ichi Life, ước tính Nhật Bản sẽ bị thiệt hại 3.200 tỷ yen (28,7 tỷ USD) trong năm nay.
Thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều nếu các sự kiện này bị hủy, và kịch bản này vẫn có khả năng xảy ra bởi vì, theo hợp đồng đăng cai Olympic và Paralympic mà IOC ký với chính quyền thủ đô Tokyo và Ủy ban Olympic Nhật Bản, IOC có thể hủy các sự kiện này nếu chúng không diễn ra trong năm 2020.
Theo Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020, ngân sách dành cho việc tổ chức là 1.350 tỷ yen (khoảng 12 tỷ USD). Tuy nhiên, theo ước tính của Kiểm toán Nhà nước Nhật Bản, số tiền chi tiêu thực tế cho công tác chuẩn bị có thể lên tới 3.000 tỷ yen (27 tỷ USD).
Không chỉ bị thiệt hại về kinh tế, Nhật Bản sắp phải đối mặt với “núi” các vấn đề phát sinh như xử lý các hợp đồng tài trợ và hợp đồng bản quyền truyền hình, hoàn tiền bán vé cho khán giả, hay thương lượng lại với khoảng 110.000 tình nguyện viên, trong đó có 80.000 tình nguyện viên hỗ trợ cho các hoạt động tại các địa điểm thi đấu và 30.000 tình nguyện viên cung cấp thông tin về du lịch và phương tiện giao thông công cộng…
Mặt khác, trong trường hợp muốn tổ chức Olympic và Paralympic vào mùa Hè 2021, Nhật Bản và IOC sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi vì có nhiều sự kiện thể thao lớn sẽ được tổ chức trong năm tới, trong đó đáng chú ý có Giải vô địch Điền kinh thế giới - một trong những giải đấu mang lại nguồn thu lớn cho các hãng phát thanh, truyền hình cũng như các vận động viên dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 8/2021 ở Mỹ.
Các sự kiện thể thao khác thu hút nhiều khán giả trong năm 2021 gồm: Giải vô địch Bơi lội Thế giới tại Nhật Bản từ ngày 16/7 đến 1/8, hay Giải vô địch Bóng đá châu Âu - giải đấu dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay nhưng đã bị hoãn sang năm 2021.
Khó khăn càng thêm chồng chất khi Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 dự định tận dụng 25 cơ sở có sẵn làm địa điểm thi đấu hoặc phục vụ cho các hoạt động khác, nhưng nhiều cơ sở như tổ hợp Tokyo Big Sight ở thủ đô Tokyo hay sân vận động Yokohama ở tỉnh Kanagawa đã được đặt trước cho các sự kiện sẽ diễn ra trong năm 2021.
Phát biểu sau khi Thủ tướng Abe công bố quyết định lùi thời gian tổ chức, ông Yoshiro Mori, Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020, khẳng định mong muốn “tổ chức một thế vận hội tốt hơn so với kế hoạch hiện nay.”
Mặc dù vậy, điều mà các vận động viên và người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới mong mỏi hiện nay là dịch COVID-19 sẽ sớm kết thúc, để không chỉ Olympic mà các cuộc giao lưu thể thao trên toàn cầu có thể được tổ chức./.