Ngày 14/12, Hội nghị trực tuyến triển khai Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được tổ chức tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.
Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/11/2011, có mục tiêu tổng quát là: Nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số và phân bố dân số, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhiều mục tiêu cụ thể được đề ra như tốc độ tăng dân số ở mức khoảng 1% vào năm 2015 và ổn định vào năm 2020, chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức trung bình cao của thế giới vào năm 2020; Nâng cao sức khỏe, giảm bệnh, tật và tử vong ở trẻ em, nâng cao sức khỏe bà mẹ, thu hẹp đáng kể sự khác biệt về các chỉ báo sức khỏe trẻ em, sức khỏe bà mẹ giữa các vùng miền; Giảm mạnh tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, đưa tỷ số này trở lại mức 105-106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào khoảng năm 2025; Duy trì mức sinh thấp hợp lý, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ sinh sản có chất lượng; Giảm tỷ lệ phá thai, cơ bản loại trừ phá thai không an toàn; Giảm nhiễm khuẩn và chủ động phòng ngừa, phát hiện, điều trị sớm ung thư đường sinh sản; Cải thiện sức khỏe sinh sản của người chưa thành niên và thanh niên, các nhóm dân số đặc thù; Tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Thúc đẩy phân bổ dân số phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội quốc gia; Tăng cường lồng ghép các yếu tố về dân số vào hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội…
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, Chiến lược nhấn mạnh các giải pháp về lãnh đạo, tổ chức và quản lý; truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi; dịch vụ dân số, sức khỏe sinh sản; xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách về dân số, sức khỏe sinh sản; xã hội hóa, phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế; tài chính; đào tạo, nghiên cứu khoa học và thông tin số liệu…
Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản được chia làm hai giai đoạn thực hiện. Trong đó, giai đoạn 1 (2011-2015) là kiên trì thực hiện gia đình ít con khỏe mạnh, chủ động điều chỉnh mức sinh phù hợp với từng vùng, miền, duy trì tổng tỷ suất sinh toàn quốc ở mức 1,9 con vào năm 2015; nâng cao chất lượng dân số; đẩy mạnh các biện pháp truyền thông giáo dục, hoàn thiện cơ sở pháp lý, kiểm tra và và xử lý nghiêm hành vi lựa chọn lựa chọn giới tính thai nhi, thực hiện chính sách hỗ trợ để kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh; thực hiện toàn diện các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành về dân số, sức khỏe sinh sản...
Trên cơ sở thực hiện giai đoạn 1, giai đoạn 2 (2016-2020) sẽ điều chỉnh chính sách phù hợp, triển khai toàn diện các giải pháp đã đề ra. Mở rộng các hoạt động can thiệp nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc toàn diện sức khỏe sinh sản, hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đẩy mạnh khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về Dân số và Sức khỏe sinh sản phục vụ công tác kế hoạch, quản lý hành chính và cung cấp dịch vụ công…
Hội nghị đã nghe hướng dẫn xây dựng Kế hoạch hành động của tỉnh, thành phố thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Chương trình hành động truyền thông-giáo dục chuyển đổi hành vi về Dân số và Sức khỏe sinh sản. Các nội dung ưu tiên và định hướng triển khai Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2015…
Từ các điểm cầu tại các địa phương, các đại biểu dự Hội nghị đã góp nhiều ý kiến vào Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2015. Nhiều đại biểu cho rằng để truyền thông hiệu quả cần chọn giải pháp phù hợp với từng vùng, miền; đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường đối thoại, gặp gỡ, giao lưu nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình hiện nay có ba nguy cơ cần tập trung khắc phục. Một là còn hạn chế về chất lượng dân số, có sự chênh lệch về tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em giữa các vùng miền. Tỷ lệ dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng ở trẻ em còn cao, đặc biệt ở các tỉnh miền núi. Tỷ suất chết của bà mẹ ở miền núi cao gấp ba lần vùng đồng bằng. Hai là, trong khoảng 5 năm gần đây, diễn ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và xu hướng này còn kéo dài ít nhất 10 năm nữa. Nếu không có giải pháp xử lý quyết liệt thì sau 15 năm nữa cũng chưa thể trở lại tỷ lệ tự nhiên. Ba là chênh lệch về mức sinh thay thế ở các địa phương. Điều này cũng sẽ gây bất lợi cho chất lượng dân số.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình có ba cơ hội cũng thể hiện ngày càng rõ. Một là, phương tiện truyền thông, giáo dục nhận thức phong phú hơn bao giờ hết. Hai là, Việt Nam đã rút được kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong quá trình điều chỉnh dân số, sức khỏe sinh sản. Ba là, có thêm nhiều phương tiện kỹ thuật, thiết bị y tế phục vụ kế hoạch hóa gia đình...
Phó Thủ tướng lưu ý ngành y tế và địa phương, trong quý 1 năm 2011 tập trung vào việc hướng dẫn và xây dựng kế hoạch công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản.
Trên cơ sở Chiến lược đã được Thủ tướng phê duyệt và hướng dẫn của Bộ Y tế, các tỉnh cần hoàn thành sớm việc xây dựng và triển khai kế hoạch công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình 2012-2015, phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu “Dân số vàng,” 69% người dân ở độ tuổi có thể lao động (dưới 65 tuổi), đó là một lợi thế. Nhưng cần tiếp tục quan tâm việc duy trì tỷ lệ sinh hợp lý và xử lý vấn đề mất cân bằng giới tính.
Phó Thủ tướng lưu ý có 10 địa phương cần lưu tâm vấn đề này, đó là Hưng Yên: 131 trai/100 gái, Hải Dương: 120/100, Bắc Ninh: 119/100, Bắc Giang 117/100, Nam Định: 116/100, Hòa Bình: 116/100 và Vĩnh Phúc: 116/100 (đây là 7 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất, đều có chung một đặc điểm là giáp với Hà Nội). Tiếp đến là Hải Phòng: 115/100, Quảng Ngãi: 115/100, Quảng Ninh: 115/100.
Phó Thủ tướng đề nghị sắp tới, Bộ Y tế cần làm việc với 10 tỉnh trên về vấn đề này. Mỗi tỉnh cũng cần có chương trình giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính và đưa vào kế hoạch 5 năm tới.
Hàng năm, ngành y tế họp bàn về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình phải có báo cáo về sự chuyến biến hay không vấn đề giới tính… Mặt khác, các ngành, địa phương cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa việc khắc phục dị tật bẩm sinh, tiếp tục giảm tỷ suất tử vong bà mẹ và trẻ em và triển khai chương trình chống suy dinh dưỡng cho trẻ em…
Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương cần nghiên cứu, vận dụng các giải pháp chung, chủ yếu trong quá trình xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với hoàn cảnh của mình.
Riêng về vấn đề truyền thông, Phó Thủ tướng cho rằng phải xác định rõ mục tiêu, địa chỉ, đối tượng tác động và kiểm soát được; cần có sự phối hợp giữa các ngành, đặc biệt là với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hoạt động này. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần xây dựng và nghiên cứu cách quản lý hệ thống dịch vụ tư vấn, sàng lọc sơ sinh và không cho phép triển khai dịch vụ xác định giới tính khi sinh.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Y tế xem xét việc phân cấp, củng cố bộ máy chuyên trách công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, tổ chức hợp lý để hoạt động có hiệu quả; sơ kết, rút kinh nghiệm trên tinh thần thống nhất là nên có bộ máy chuyên trách công tác này.
Phó Thủ tướng lưu ý các ngành hữu quan tập trung điều chỉnh các chính sách về mặt tài chính, hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động liên quan, bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình.
Trong quý 1 năm 2012, Bộ Y tế phải trình xong 13 dự án, đề án đã được Thủ tướng phê duyệt; làm việc với 10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất để giải quyết. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế rà soát lại định mức tài chính cho công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần triển khai quyết liệt Đề án “Nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam” đã được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 4 năm nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn về nội dung, tư liệu phương pháp giáo dục về dân số, gia đình, giới tính trong trường phổ thông…
Các ngành, địa phương cũng cần xác định số những chỉ số tối thiểu để giám sát kết quả công việc hàng năm tại các địa phương và trong cả nước; sớm ký kết liên tịch giữa Bộ Y tế, Mặt trận Tổ quốc, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và với các ngành hữu quan để phối hợp vận động.../.
Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/11/2011, có mục tiêu tổng quát là: Nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số và phân bố dân số, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhiều mục tiêu cụ thể được đề ra như tốc độ tăng dân số ở mức khoảng 1% vào năm 2015 và ổn định vào năm 2020, chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức trung bình cao của thế giới vào năm 2020; Nâng cao sức khỏe, giảm bệnh, tật và tử vong ở trẻ em, nâng cao sức khỏe bà mẹ, thu hẹp đáng kể sự khác biệt về các chỉ báo sức khỏe trẻ em, sức khỏe bà mẹ giữa các vùng miền; Giảm mạnh tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, đưa tỷ số này trở lại mức 105-106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào khoảng năm 2025; Duy trì mức sinh thấp hợp lý, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ sinh sản có chất lượng; Giảm tỷ lệ phá thai, cơ bản loại trừ phá thai không an toàn; Giảm nhiễm khuẩn và chủ động phòng ngừa, phát hiện, điều trị sớm ung thư đường sinh sản; Cải thiện sức khỏe sinh sản của người chưa thành niên và thanh niên, các nhóm dân số đặc thù; Tăng cường chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Thúc đẩy phân bổ dân số phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội quốc gia; Tăng cường lồng ghép các yếu tố về dân số vào hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội…
Để thực hiện tốt các mục tiêu trên, Chiến lược nhấn mạnh các giải pháp về lãnh đạo, tổ chức và quản lý; truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi; dịch vụ dân số, sức khỏe sinh sản; xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách về dân số, sức khỏe sinh sản; xã hội hóa, phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế; tài chính; đào tạo, nghiên cứu khoa học và thông tin số liệu…
Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản được chia làm hai giai đoạn thực hiện. Trong đó, giai đoạn 1 (2011-2015) là kiên trì thực hiện gia đình ít con khỏe mạnh, chủ động điều chỉnh mức sinh phù hợp với từng vùng, miền, duy trì tổng tỷ suất sinh toàn quốc ở mức 1,9 con vào năm 2015; nâng cao chất lượng dân số; đẩy mạnh các biện pháp truyền thông giáo dục, hoàn thiện cơ sở pháp lý, kiểm tra và và xử lý nghiêm hành vi lựa chọn lựa chọn giới tính thai nhi, thực hiện chính sách hỗ trợ để kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh; thực hiện toàn diện các nội dung chăm sóc sức khỏe sinh sản; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành về dân số, sức khỏe sinh sản...
Trên cơ sở thực hiện giai đoạn 1, giai đoạn 2 (2016-2020) sẽ điều chỉnh chính sách phù hợp, triển khai toàn diện các giải pháp đã đề ra. Mở rộng các hoạt động can thiệp nâng cao chất lượng dân số, chăm sóc toàn diện sức khỏe sinh sản, hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đẩy mạnh khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về Dân số và Sức khỏe sinh sản phục vụ công tác kế hoạch, quản lý hành chính và cung cấp dịch vụ công…
Hội nghị đã nghe hướng dẫn xây dựng Kế hoạch hành động của tỉnh, thành phố thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Chương trình hành động truyền thông-giáo dục chuyển đổi hành vi về Dân số và Sức khỏe sinh sản. Các nội dung ưu tiên và định hướng triển khai Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2015…
Từ các điểm cầu tại các địa phương, các đại biểu dự Hội nghị đã góp nhiều ý kiến vào Chương trình hành động truyền thông chuyển đổi hành vi Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2015. Nhiều đại biểu cho rằng để truyền thông hiệu quả cần chọn giải pháp phù hợp với từng vùng, miền; đẩy mạnh hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường đối thoại, gặp gỡ, giao lưu nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa...
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình hiện nay có ba nguy cơ cần tập trung khắc phục. Một là còn hạn chế về chất lượng dân số, có sự chênh lệch về tình trạng sức khỏe bà mẹ, trẻ em giữa các vùng miền. Tỷ lệ dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng ở trẻ em còn cao, đặc biệt ở các tỉnh miền núi. Tỷ suất chết của bà mẹ ở miền núi cao gấp ba lần vùng đồng bằng. Hai là, trong khoảng 5 năm gần đây, diễn ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và xu hướng này còn kéo dài ít nhất 10 năm nữa. Nếu không có giải pháp xử lý quyết liệt thì sau 15 năm nữa cũng chưa thể trở lại tỷ lệ tự nhiên. Ba là chênh lệch về mức sinh thay thế ở các địa phương. Điều này cũng sẽ gây bất lợi cho chất lượng dân số.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình có ba cơ hội cũng thể hiện ngày càng rõ. Một là, phương tiện truyền thông, giáo dục nhận thức phong phú hơn bao giờ hết. Hai là, Việt Nam đã rút được kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong quá trình điều chỉnh dân số, sức khỏe sinh sản. Ba là, có thêm nhiều phương tiện kỹ thuật, thiết bị y tế phục vụ kế hoạch hóa gia đình...
Phó Thủ tướng lưu ý ngành y tế và địa phương, trong quý 1 năm 2011 tập trung vào việc hướng dẫn và xây dựng kế hoạch công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản.
Trên cơ sở Chiến lược đã được Thủ tướng phê duyệt và hướng dẫn của Bộ Y tế, các tỉnh cần hoàn thành sớm việc xây dựng và triển khai kế hoạch công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình 2012-2015, phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu “Dân số vàng,” 69% người dân ở độ tuổi có thể lao động (dưới 65 tuổi), đó là một lợi thế. Nhưng cần tiếp tục quan tâm việc duy trì tỷ lệ sinh hợp lý và xử lý vấn đề mất cân bằng giới tính.
Phó Thủ tướng lưu ý có 10 địa phương cần lưu tâm vấn đề này, đó là Hưng Yên: 131 trai/100 gái, Hải Dương: 120/100, Bắc Ninh: 119/100, Bắc Giang 117/100, Nam Định: 116/100, Hòa Bình: 116/100 và Vĩnh Phúc: 116/100 (đây là 7 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất, đều có chung một đặc điểm là giáp với Hà Nội). Tiếp đến là Hải Phòng: 115/100, Quảng Ngãi: 115/100, Quảng Ninh: 115/100.
Phó Thủ tướng đề nghị sắp tới, Bộ Y tế cần làm việc với 10 tỉnh trên về vấn đề này. Mỗi tỉnh cũng cần có chương trình giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính và đưa vào kế hoạch 5 năm tới.
Hàng năm, ngành y tế họp bàn về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình phải có báo cáo về sự chuyến biến hay không vấn đề giới tính… Mặt khác, các ngành, địa phương cũng cần quan tâm nhiều hơn nữa việc khắc phục dị tật bẩm sinh, tiếp tục giảm tỷ suất tử vong bà mẹ và trẻ em và triển khai chương trình chống suy dinh dưỡng cho trẻ em…
Phó Thủ tướng yêu cầu các ngành, địa phương cần nghiên cứu, vận dụng các giải pháp chung, chủ yếu trong quá trình xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với hoàn cảnh của mình.
Riêng về vấn đề truyền thông, Phó Thủ tướng cho rằng phải xác định rõ mục tiêu, địa chỉ, đối tượng tác động và kiểm soát được; cần có sự phối hợp giữa các ngành, đặc biệt là với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hoạt động này. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần xây dựng và nghiên cứu cách quản lý hệ thống dịch vụ tư vấn, sàng lọc sơ sinh và không cho phép triển khai dịch vụ xác định giới tính khi sinh.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Y tế xem xét việc phân cấp, củng cố bộ máy chuyên trách công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình, tổ chức hợp lý để hoạt động có hiệu quả; sơ kết, rút kinh nghiệm trên tinh thần thống nhất là nên có bộ máy chuyên trách công tác này.
Phó Thủ tướng lưu ý các ngành hữu quan tập trung điều chỉnh các chính sách về mặt tài chính, hỗ trợ và khuyến khích các hoạt động liên quan, bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình.
Trong quý 1 năm 2012, Bộ Y tế phải trình xong 13 dự án, đề án đã được Thủ tướng phê duyệt; làm việc với 10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất để giải quyết. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế rà soát lại định mức tài chính cho công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình. Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần triển khai quyết liệt Đề án “Nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam” đã được Thủ tướng phê duyệt từ tháng 4 năm nay.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn về nội dung, tư liệu phương pháp giáo dục về dân số, gia đình, giới tính trong trường phổ thông…
Các ngành, địa phương cũng cần xác định số những chỉ số tối thiểu để giám sát kết quả công việc hàng năm tại các địa phương và trong cả nước; sớm ký kết liên tịch giữa Bộ Y tế, Mặt trận Tổ quốc, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và với các ngành hữu quan để phối hợp vận động.../.
Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)