Hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, phát triển bền vững ngành nước

Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.
Hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, phát triển bền vững ngành nước ảnh 1Nạo vét lòng hồ Trung Chỉ ở phường Đông Lương, thành phố Đông Hà, Quảng Trị, để tăng khả năng tích trữ nước trong mùa mưa bão. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Theo ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội theo Tờ trình số 37/2023 ngày 17/2/2023 gồm 10 chương và 88 điều, cơ bản vẫn giữ nguyên số chương như Luật Tài nguyên nước năm 2012; cụ thể giữ nguyên 10 điều, sửa đổi, bổ sung 62 điều, bổ sung mới 16 điều và bãi bỏ 8 điều.

Trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cụ thể hóa các quy định về quản lý tài nguyên nước đối với nước ngọt, nước mặt và nước lợ; quy định rõ hơn về các giải pháp phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; rà soát, bổ sung điều chỉnh một số thuật ngữ chuyên ngành đảm bảo đầy đủ, thống nhất, dễ hiểu; nghiên cứu bổ sung các chức năng về phòng, chống lũ, điều hòa chống úng, chống ngập đô thị.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quy định rõ trách nhiệm quản lý, phân cấp, phân quyền, tách bạch quản lý nhà nước giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương…; đồng thời rà soát các giải pháp sử dụng nước khoa học, tiết kiệm, tiếp cận theo hướng tuần hoàn nguồn nước.

Cục trưởng Châu Trần Vĩnh khẳng định với Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), mục tiêu của Việt Nam sẽ hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch để có khả năng khai thác tối đa nguồn lực tài nguyên, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát và phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.

Phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả trung ương và địa phương khắc phục các chồng chéo, xung đột pháp luật.

“Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước, trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước cả Trung ương và địa phương. Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm thiểu nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của Nhà nước,” ông Châu Trần Vĩnh nhấn mạnh.

[Xử phạt tới 15.000 tỷ đồng về các sai phạm với tài nguyên nước]

Đánh giá cao quá trình xây dựng Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng, ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đến nay, các chính sách lớn đã được thể hiện ở trong Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát các luật, bộ luật liên quan, các công ước quốc tế để hoàn thiện Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); rà soát kỹ sự phân cấp, phân quyền nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ, phát triển bền vững ngành nước ảnh 2Công nhân Công ty TNHH Quản lý Thủy Nông Điện Biên kiểm tra mực nước tại hồ Hồng Sạt. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Chia sẻ về một số cách thức quản lý tài nguyên nước hiệu quả tại Australia, ông James Alenxander Deane, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho rằng cần xem xét tất cả các mục đích sử dụng nước như sử dụng nước tiêu hao và không tiêu hao; cân bằng các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường; lắng nghe và tham vấn cộng đồng để có những chính sách tốt nhất…

Đặc biệt với quy hoạch lưu vực sông, cần xem xét việc chia sẻ giữa tổng lượng nước có thể sử dụng và cân đối, hài hòa các vấn đề về môi trường.

Theo bà Karlene Maywald, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước Nam Australia, trước hết cần xác định tầm nhìn đối với việc quản lý nước và giá trị của nước; hiểu rõ sự thay đổi lượng nước sẵn có và nhu cầu qua thời gian; phân bổ nước cho các bên sử dụng nước nhằm tạo môi trường thực hiện và cải thiện khuôn khổ qua thời gian.

Đặc biệt về quy hoạch nước để chia sẻ nước giữa các bên sử dụng nước cần phải có quyết định chia sẻ nước giữa các bên, hướng đến tầm nhìn và các giá trị; tạo ra sự rõ ràng về các đánh đổi và thứ tự ưu tiên; đồng thời truyền đạt rõ về lý do tại sao lại đưa ra các quyết định như vậy, có tính đến nhu cầu sử dụng nước hiện tại và tương lai, các giới hạn về lượng nước sẵn có./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục