Hoạt động kinh doanh cải thiện trên toàn cầu đẩy lùi khả năng hạ lãi suất

Theo một cuộc thăm dò của Reuters, nền kinh tế toàn cầu có thể duy trì đà vững chắc trong phần còn lại của năm nay và sang năm 2025, thách thức các dự báo trước đó về khả năng suy yếu.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở San Mateo, California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân mua sắm tại siêu thị ở San Mateo, California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động của những doanh nghiệp trên toàn cầu nhìn chung đã cải thiện trong tháng này, trong đó hoạt động kinh doanh tại Mỹ và nhiều khu vực ở châu Á và châu Âu tăng tốc, khiến các ngân hàng trung ương có khả năng trì hoãn việc cắt giảm lãi suất.

Các nước đã tăng lãi suất sau đại dịch COVID-19 để chống lại lạm phát gia tăng, nhưng giờ đây các cuộc thảo luận đã chuyển sang chủ đề khi nào giảm lãi suất và giảm bao nhiêu, đặc biệt là ở các quốc gia sẽ diễn ra bầu cử trong năm nay.

Các cuộc bầu cử đang diễn ra ở Ấn Độ, trong khi Mỹ sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 11 và Thủ tướng Anh Rishi Sunak mới đây đã kêu gọi tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 4/7.

Theo một cuộc thăm dò của Reuters, nền kinh tế toàn cầu có thể duy trì đà vững chắc trong phần còn lại của năm nay và sang năm 2025, thách thức các dự báo trước đó về khả năng suy yếu.

Hoạt động kinh doanh của Mỹ đã tăng tốc lên mức cao nhất trong hơn hai năm vào tháng Năm, cho thấy tăng trưởng kinh tế đang phục hồi. S&P Global ngày 23/5 cho biết chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) của Mỹ, theo dõi lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã tăng vọt lên 54,4 trong tháng này. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022 và cao hơn mức 51,3 của tháng Tư.

Chỉ số này trên 50 cho thấy sự mở rộng trong khu vực tư nhân. Trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, các chuyên gia kinh tế dự báo chỉ số này sẽ không thay đổi và ổn định ở mức 51,1. Sự gia tăng này được thúc đẩy bởi lĩnh vực dịch vụ, với chỉ số PMI trong lĩnh vực này tăng từ 51,3 trong tháng Tư lên 54,8. PMI trong lĩnh vực sản xuất tăng nhẹ từ 50 lên 50,9.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất cho biết giá một loạt các nguyên liệu đầu vào đang tăng vọt, cho thấy lạm phát hàng hóa có thể tăng lên trong những tháng tới. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi cơ quan này đang cần thêm niềm tin rằng lạm phát đã quay trở lại xu hướng giảm trước khi bắt đầu hạ lãi suất.

Tại châu Âu, hoạt động kinh doanh trong tháng này đang mở rộng với tốc độ nhanh nhất một năm qua, nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với dịch vụ, trong khi lĩnh vực sản xuất có dấu hiệu đang phục hồi.

Số liệu sơ bộ về chỉ số PMI của Ngân hàng Thương mại Hamburg (HCOB), do S&P Global thu thập, đã tăng từ mức 51,7 của tháng Tư lên 52,3 trong tháng này, vượt dự báo được đưa ra trong cuộc thăm dò của Reuters. Tháng Năm là tháng thứ ba liên tiếp chỉ số này trên mức 50.

Ủy ban châu Âu (EC) hôm 15/5 đã xác nhận dự báo tăng trưởng kinh tế cho Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong năm 2024, đồng thời điều chỉnh nhẹ mức tăng trưởng dự kiến cho năm 2025.

Báo cáo mùa Xuân của EC do Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế, Paolo Gentiloni công bố cho biết nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 0,8% vào năm 2024, tương tự dự báo được đưa ra hồi tháng 2/2024. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ tăng lên 1,4% vào năm 2025, so với mức dự đoán trước đó là 1,5%.

Số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho thấy GDP của Eurozone đã tăng 0,3% trong quý 1/2024, đà tăng trưởng diễn ra ở hầu hết quốc gia thành viên và đánh dấu sự kết thúc giai đoạn trì trệ bắt đầu từ quý 4/2022.

Phát biểu với báo giới, ông Paolo Gentiloni nhấn mạnh sau giai đoạn trì trệ kinh tế trên diện rộng vào năm 2023, đà tăng trưởng vượt mong đợi vào đầu năm 2024 và lạm phát tiếp tục giảm đã tạo tiền đề cho hoạt động kinh tế khởi sắc dần dần trong giai đoạn dự báo.

Về mặt lạm phát, EC dự kiến chỉ số giá tiêu dùng hài hòa (HICP) của Eurozone sẽ giảm từ 5,4% vào năm 2023 xuống 2,5% vào năm 2024 và 2,1% vào năm 2025, so với dự báo trước đây lần lượt là 2,7% và 2,2%.

Ông Paolo Gentiloni cho biết thêm, lạm phát của Eurozone dự kiến sẽ tiếp tục giảm và đạt mục tiêu sớm hơn một chút trong năm 2025.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang hướng tới mục tiêu lạm phát 2% cho Eurozone.

Nhìn chung, dự báo của EC cho thấy một bức tranh kinh tế tương đối tích cực cho Eurozone trong năm 2024 và 2025. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng đến triển vọng này, đòi hỏi sự theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh chính sách linh hoạt.

Giá cả nhìn chung ghi nhận mức tăng chậm nhất kể từ tháng 11 năm ngoái, và chỉ số giá đầu ra giảm từ 53,7 xuống 52,5. Diễn biến này có khả năng mở ra khả năng ECB nới lỏng chính sách. Các nhà hoạch định chính sách của ECB được dự báo sẽ giảm lãi suất tại cuộc họp tháng Sáu tới.

ttxvn_ECB.jpg
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Frankfurt am Main, miền Tây Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chuyên gia Franziska Palmas của công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics cho biết: "Chỉ số PMI tháng 5 cho thấy nền kinh tế của Eurozone tiếp tục tăng trưởng trong quý 2 trong khi áp lực giá đã giảm xuống nhưng vẫn ở mức cao trong lĩnh vực dịch vụ."

Chuyên gia này nhận định ECB rất có thể sẽ vẫn cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu nhưng nếu nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt thì việc cắt giảm lãi suất trong tương lai có thể chậm hơn dự đoán.

Chỉ số PMI của Đức đã vượt mức 50 tháng thứ hai liên tiếp, nhờ hoạt động dịch vụ mạnh mẽ ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu này. Nhưng ở Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai của khối, khu vực tư nhân lại bất ngờ suy yếu trong tháng này sau khi mở rộng vào tháng Tư, khi cả lĩnh vực dịch vụ và sản xuất đều ghi nhận hoạt động suy giảm.

Còn tại Anh, chỉ số PMI cho thấy đà tăng trưởng của các doanh nghiệp Anh đã giảm đáng kể trong tháng Năm và giảm mạnh hơn dự đoán được đưa ra trong khảo sát của Reuters. Đây là một trở ngại cho chiến dịch tranh cử của ông Sunak.

Trong khi đó, tại châu Á, hoạt động kinh doanh ở Ấn Độ đã mở rộng mạnh mẽ trong tháng Năm nhờ vào ngành dịch vụ chiếm ưu thế. Chỉ số PMI của nước này còn cho thấy hoạt động xuất khẩu tăng với tốc độ cao kỷ lục và tỷ lệ gia tăng việc làm mạnh nhất trong gần 18 năm qua.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm tài chính 2024-2025 từ 6,5% (được đưa ra hồi tháng 1) lên 6,8%, chủ yếu nhờ đầu tư công.

Sự khởi sắc cũng được ghi nhận tại Nhật Bản khi hoạt động sản xuất trong tháng Năm của nước này đã tăng trưởng lần đầu tiên trong một năm qua.

ttxvn_kinh te nhat ban 1.jpg
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Tochigi, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/5, Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này trong quý 1/2024 giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần giảm đầu tiên trong 2 quý.

So với quý trước đó, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 0,5%. GDP của Nhật Bản giảm do nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng của tình trạng lạm phát tăng cao và việc công ty Daihatsu Motor Co. thuộc tập đoàn sản xuất ô tô Toyota tạm ngừng xuất khẩu sau bê bối gian lận kiểm tra an toàn xe.

Như vậy, kinh tế Nhật Bản trong quý 1/2024 giảm sâu hơn các mức dự báo trước đó của các nhà kinh tế, trong đó Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế của Nhật Bản dự báo mức giảm 1,17% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,29% so với quý trước đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục