Học giả Canada đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam

Các học giả Canada đặc biệt ấn tượng với trường phái "ngoại giao cây tre Việt Nam," với "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển," thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt.
Học giả Canada đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam ảnh 1Ông Steve Rutchinski, đại diện Hiệp hội Hữu nghị Canada-Việt Nam (CVFS). (Ảnh: Nguyễn Viết Tuân/TTXVN)

“Ngàn triệu dân siết tay nhau đứng quanh Đảng Cộng sản Việt Nam, khối kết đoàn công nông bền vững...” Thật cảm động khi những ca từ giản dị, trong sáng của bài hát đi cùng năm tháng “Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam” ngân vang tại hội thảo do Hiệp hội Hữu nghị Canada-Việt Nam (CVFS) tổ chức ngày 29/1.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2022), CVFS đã tổ chức hội thảo dưới hình thức trực tuyến với chủ đề về chính sách ngoại giao của Việt Nam, thu hút sự tham gia của đông đảo bạn bè Canada và bà con Việt kiều.

Là diễn giả chính tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Cao Phong đã đem đến cho các thành viên tham dự một bức tranh toàn diện, khái quát về chính sách đối ngoại của Việt Nam sau 35 năm Đổi mới, điểm lại những cột mốc của công tác đối ngoại trong lịch sử đất nước.

[Đảng lãnh đạo cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới]

Đại sứ nhấn mạnh về định hướng chiến lược của Đại hội XIII đối với công tác đối ngoại, đó là, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế..

Tư duy đối ngoại đa phương đã có bước chuyển quan trọng với Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư năm 2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, chuyển mạnh từ "tham dự" sang "chủ động tham gia" và phát huy vai trò "nòng cốt," dẫn dắt của Việt Nam.

Học giả Canada đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng CS Việt Nam ảnh 2Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Nguyễn Viết Tuân/TTXVN)

Đây là văn bản chỉ đạo đầu tiên của Đảng ta về công tác đối ngoại đa phương của đất nước.

Bài phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã gây được tiếng vang và quan tâm trong giới học thuật Canada.

Các học giả Canada đặc biệt ấn tượng với trường phái "ngoại giao cây tre Việt Nam," với "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển," thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt.

Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, bao gồm tất cả các nước lớn, 17/20 thành viên G-20, tất cả các nước ASEAN.

Việt Nam chủ động ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có hai FTA thế hệ mới là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam) và RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực).

Việt Nam cũng đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020–2021.

Theo ông Steve Rutchinski, đại diện CVFS, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã đưa Việt Nam đến những thành tựu này.

Ông Steve Rutchinski chia sẻ: “CVFS đang thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Canada và Việt Nam. Tất cả chúng ta cùng nhau kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ghi nhận những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam, những chính sách đối ngoại dựa trên nguyên tắc và mang tính xây dựng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục