Giáo sư chuyên ngành Việt Nam học Lee Yun-boem thuộc trường Đại học Chungwoon (Hàn Quốc) đã đi sâu phân tích, đánh giá về những giải pháp mà Việt Nam đã và đang tiến hành nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Giáo sư Lee Yun-boem nhấn mạnh Việt Nam công khai kiên quyết giữ vững lập trường đối với vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, thể hiện trên hai nội dung chính: Thứ nhất, Việt Nam có đầy đủ các chứng cứ lịch sử minh bạch chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Thứ hai, Việt Nam chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Trong khi đó, Giáo sư Ahn Kyong-hwan thuộc Đại học Chosun cho rằng về mặt lịch sử, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được chứng minh một cách rõ ràng là đã được Việt Nam cai quản một cách hiệu quả.
Theo giáo sư, việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông một cách hòa bình có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc duy trì hòa bình thế giới và thúc đẩy nền kinh tế khu vực. Tuy nhiên, vấn đề chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là vấn đề khó có thể giải quyết nếu chỉ bằng nỗ lực của riêng Việt Nam mà cần phải có sự chia sẻ và thấu hiểu của cộng đồng quốc tế.
Vì vậy, theo giáo sư, việc tổ chức các cuộc hội thảo khoa học định kỳ với sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philppines, Malaysia,.. để cùng chia sẻ các tài liệu lịch sử và tìm kiếm biện pháp giải quyết hòa bình là việc làm có ý nghĩa to lớn.
Về những căn cứ lịch sử liên quan đến chủ quyền trên biển Đông, tiến sỹ Isabel, Viện Giáo dục Ngôn ngữ thuộc Đại học Chosun, có tham luận “Căn cứ và sự thật lịch sử về chủ quyền quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam,” trong đó khẳng định rằng: “Không chỉ từ luật quốc tế và thực tiễn của tình hình quốc tế mà cả từ những kết luận và chứng cứ lịch sử đã được đề cập, có thể đưa ra ba luận điểm quan trọng sau: Thứ nhất, Việt Nam chứ không phải quốc gia nào khác đã sở hữu một cách thực chất quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ lâu. Thứ hai, từ sau thế kỷ 17, trong hàng trăm năm, Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo phương thức hòa bình và liên tục. Thứ ba, Việt Nam đã bảo đảm được danh phận và quyền lợi hợp pháp để đối phó với các ý đồ và hành động xâm phạm chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.”
Trong tham luận về “Thực trạng tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và một số quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông hiện nay,” phó giáo sư, tiến sỹ Lê Đình Chỉnh (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh với chính sách đối ngoại hòa bình, trong giai đoạn hiện nay, với tư cách là một thành viên chính thức của ASEAN, Việt Nam đã thể hiện tinh thần trách nhiệm và có bước đi linh hoạt, mềm dẻo cần thiết, tiếp tục các nỗ lực to lớn, tuân thủ các cam kết trong Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC), đồng thời kêu gọi các nước liên quan thực hiện đúng cam kết trong văn kiện này.
Việt Nam cho rằng DOC thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với việc duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Nghiêm túc tôn trọng tinh thần DOC và thực hiện đầy đủ DOC sẽ có lợi cho cả ASEAN và Trung Quốc, đồng thời đáp ứng được mong mỏi và nguyện vọng chung của khu vực và thế giới về một Biển Đông hòa bình, hữu nghị và hợp tác./.
Phóng viên TTXVN có mặt tại Gwangchu (Hàn Quốc) đưa tin, tại cuộc hội thảo quốc tế với chủ đề “Thực trạng vấn đề chủ quyền Biển Đông và giải pháp” diễn ra ngày 23/10 tại Đại học Tổng hợp Chosun (Hàn Quốc), các đại biểu đã nghe nhiều tham luận tập trung làm rõ những chứng cứ lịch sử liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông, phân tích những điểm giống và khác nhau giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền.
(TTXVN)