Những cầu thủ kiểu "phủi" bất ngờ xuất hiện rồi lên thẳng hàng ngũ chuyên nghiệp có thể nói đã tuyệt chủng. Khi bóng đá trở thành ngành kinh doanh siêu hạng lẫn một ngành khoa học chặt chẽ như ngày nay, các học viện đóng vai trò trụ cột. Đó là nơi tiếp nhận, phát triển những tài năng ngay từ thuở để chỏm và đầu ra là các cầu thủ chuyên nghiệp. Mô hình và mục đích thì đơn giản như vậy nhưng trên thực tế, các học viện bóng đá lại muôn hình muôn trạng, khác nhau khá nhiều trong cách tiếp cận đối với việc tuyển mộ, đào tạo, đãi ngộ. Và đương nhiên, cũng khác biệt lớn về mức độ thành công. Loạt bài sau do Reuters thực hiện với những phân tích về học viện bóng đá ở các giải châu Âu, các câu lạc bộ lớn để lý giải, đi tìm một mô hình thành công cũng như nêu ra các vấn đề bất cập. So sánh giữa các học viện là điều không dễ dàng gì, đặc biệt khi một số câu lạc bộ cũng không hề muốn công khai tỷ lệ thành công của học viện mình. Tuy nhiên, có nhiều bản chất là đồng nhất. Ví dụ như hàng nghìn đứa trẻ, thường sớm nhất là từ khi 7 tuổi, được nhặt nhạnh từ các câu lạc bộ trẻ địa phương để đưa vào hệ thống đào tạo. Tất cả đều mơ sẽ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp nhưng chỉ có điều, đa phần đều vỡ mộng! Sàng lọc, sàng lọc, sàng lọc. Tỷ lệ thành công vô cùng nhỏ bé, chưa đầy 1/1.000 ở tất cả các lứa tuổi là có thể vươn lên đẳng cấp cao nhất. Ngay cả trong số nhỏ nhoi đó, chỉ một lượng ít ỏi là trở thành cầu thủ chính thức, đá chính thường xuyên tại câu lạc bộ. Một số câu lạc bộ giàu có bậc nhất như nhà vô địch Champions League năm ngoái Chelsea hay phân nửa số câu lạc bộ ở Serie A lại không thể hoặc không có khả năng phát triển được những cầu thủ trẻ tốt nhất của mình.
Lò đào tạo La Masia của Barcelona.
Trong khi đó, lại có những nơi như Barcelona chăm bẵm, bồi dưỡng được các thế hệ kế tiếp cho bóng đá nước nhà. Có học viện như của Ajax Amsterdam lại biến việc đào tạo trẻ thành một ngành nghề kinh doanh thuần túy, "hàng" đạt độ chín là bán vì lợi ích dài hạn của câu lạc bộ. Các câu lạc bộ Tây Ban Nha hiện có khoảng 25% số cầu thủ là sản phẩm từ các lò đào tạo trẻ của họ. Có một cột mốc đáng kể là khi Barcelona đá với Levante hồi năm ngoái, toàn bộ 11 cầu thủ đều trưởng thành từ La Masia, cái tên đang lừng lẫy trong các học viện bóng đá. Còn ở Serie A, tỷ lệ này chưa đến 8% và mãi đến giờ, các câu lạc bộ hàng đầu mới phối hợp hành động thúc đẩy việc phát triển, bảo vệ, sử dụng "của nhà trồng được." Tại Anh, Manchester United có một "dây chuyền sản xuất ấn tượng", năm ngoái có 12 cái tên trong đội hình là sản phẩm đào tạo của học viện. Thế nhưng đối lập lại là Chelsea, không đạt được mục tiêu khiêm tốn là cứ 18 tháng có được một cầu thủ trẻ từ lò đào tạo gia nhập đội 1. Cũng có nhiều câu lạc bộ không thích thú việc mài ngọc mà để các đội bóng nhỏ hơn làm công việc tìm tòi, phát hiện đó rồi nẫng lại những gương mặt sáng giá nhất trước khi họ tròn 16 tuổi. Các câu lạc bộ cũng có thể nhập khẩu tài năng trẻ nước ngoài, đưa họ vào đào tạo trong học viện khoảng 3 năm để sau đó gán mác "gà nhà," đáp ứng những quy định của UEFA cũng như của liên đoàn bóng đá quốc gia đó. Trồng cây chờ trái ngọt Vai trò và ý nghĩa của các lò đào tạo đang ngày càng tăng đối với các câu lạc bộ trong bối cảnh bị siết chặt bởi những quy định về công bằng tài chính cũng như tình trạng ngân sách hạn hẹp. Manchester City, cái tên được cho là có nguồn tiền bạc bất tận, cũng đã ném 100 triệu bảng (tương đương 152 triệu USD) vào hệ thống học viện mới bởi họ hiểu rằng những ngày vung tay thoải mái mua các ngôi sao lớn không còn nhiều nữa. Nếu những "đại gia" Anh như Manchester City sau giai đoạn ăn xổi giờ mới lo trồng cây thì ở một số giải khác, đào tạo trẻ từ lâu mang tính bắt buộc. Trong hơn một thập kỷ qua, mọi câu lạc bộ ở hai giải hàng đầu bóng đá Đức đều phải có cho mình một học viện hợp quy cách để được cấp phép thi đấu. Kết hợp với một mô hình phát hiện tài năng ngay từ tầm tuổi... mẫu giáo, hệ thống đào tạo này giúp cung cấp vô số "hàng nội" chất lượng và đó đang được xem là sức mạnh lớn của Bundesliga lẫn "Cỗ xe tăng." Nhưng học viện không chỉ đơn thuần là dạy bóng đá. Tại Pháp, mô hình đào tạo trẻ có một học viện trung tâm do Liên đoàn điều hành và bảo đảm rằng mọi học viện đều được giáo dục toàn diện. Ở đây, việc học và phát triển những kỹ năng chơi bóng chỉ chiếm 1/4 tổng thời gian học hành chung.
Castilla và La Masia là hai lò đào tạo cầu thủ bậc nhất hiện nay.
Dù hệ thống có lo xa đến đào tạo toàn diện chung đi chăng nữa, khi bước chân qua cánh cửa học viện, các gương mặt non nớt đều đối mặt với tương lai đầy những rủi ro. Quá ít có thể đến đích cuối cùng, hoàn mỹ giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Đa phần sẽ thất bại trong cuộc đầu tư này và sẽ tệ hại nếu họ cảm nhận thấy mình là "bỏ đi" ở thời điểm mà hầu hết bạn bè đồng tuổi còn chưa xong xuôi việc học hành. Các bậc phụ huynh thường không lo xa đến vậy, đa phần chỉ mơ về những hợp đồng bạc triệu trong tương lai khi con mình thành ngôi sao. Họ như bị mờ mắt mà quên đi tỷ lệ thành công ít ỏi ở các lò đào tạo. Và giờ đây, thay vì ép các học viên dồn toàn tâm toàn trí cho mục tiêu duy nhất là phát triển tài năng bóng đá, nhiều câu lạc bộ đã bắt đầu theo hướng tiếp cận rộng mở hơn, nhấn mạnh vào giáo dục toàn diện cùng các đãi ngộ, hỗ trợ. Sự giúp đỡ không chỉ giới hạn dừng lại khi học viên vỡ mộng rời lò đào tạo mà còn áp dụng cả cho những trường hợp thành công, vươn lên tầm chuyên nghiệp. Bởi ai mà biết được sự nghiệp non trẻ đó sẽ kéo dài hàng thập kỷ hay chỉ vài tháng? Xpro, một tổ chức hỗ trợ cho các cựu cầu thủ ở Anh, đưa ra một số liệu giật mình: Có hơn 130 cựu cầu thủ chuyên nghiệp tại xứ sương mù đang "xộ khám". Đáng lo ngại hơn, 124 trong số đó dưới 25 tuổi. Rõ ràng, từ giấc mơ đến ác mộng không phải là điều quá xa vời.../.
Vũ Anh (Vietnam+)