Chiều 12/12, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị đối thoại với Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham).
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng chủ trì buổi đối thoại. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành và các doanh nghiệp đại diện cho gần 1.000 doanh nghiệp thành viên EuroCham tại Việt Nam.
“Cởi trói” cho doanh nghiệp
Phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh với hơn 90 triệu người tiêu dùng, lực lượng lao động trẻ, năng động, sáng tạo.
Theo công bố của Diễn đàn kinh tế thế giới tháng 9 vừa qua, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam tăng 10 bậc, từ vị trí thứ 77 lên thứ 67/141 nền kinh tế và xếp thứ 7 trong khu vực ASEAN.
Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội đất nước, trong đó, thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Năm 2019, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, trong đó có đề xuất bãi bỏ, sửa đổi và bổ sung một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Chính phủ cũng đã ban hành 3 nghị định để tiếp tục cắt giảm thêm 106 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2018 đến nay lên tới 3.451/6.191 điều kiện kinh doanh. Theo tính toán, việc cắt giảm này giúp tiết kiệm gần 6 triệu ngày công, tương đương hơn 893,9 tỷ đồng mỗi năm.
Sắp tới, để hoạt động cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất hơn và thật sự đi vào cuộc sống, “cởi trói” cho doanh nghiệp, Chính phủ sẽ căn cứ trên những tiêu chí rõ ràng để đánh giá các điều kiện kinh doanh và tính toán việc cắt giảm, đơn giản hóa. Từ tiêu chí đó, các bộ, ngành có phương án cắt giảm phù hợp và cũng là cơ sở để kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh trên thực tế, đảm bảo việc cắt giảm mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ đã chính thức cắt giảm 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, giúp tiết kiệm hơn 12 triệu ngày công, tương đương 5.442,8 tỷ đồng/năm.
Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN đã tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại qua biên giới.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2018, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD; ước tính với 12 triệu tờ khai của năm 2018, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD, tương đương hơn 4.000 tỷ đồng khi thực hiện thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 17 triệu giờ lưu kho đối với 5,8 triệu tờ khai xuất khẩu và tiết kiệm 37 triệu giờ lưu kho đối với 6,2 triệu tờ khai nhập khẩu.
Để hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trên tinh thần tạo sân chơi cởi mở, đồng lòng tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn của người dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp thẳng thắn chia sẻ các khó khăn vướng mắc đang là cản trở lớn với phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế, các rào cản cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hiến kế trực tiếp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các rào cản đó.
Vẫn phải kiểm tra ngẫu nhiên
Hàng loạt vấn đề vướng mắc đã được đại diện các tiểu ban đến từ EuroCham đưa ra trong ba phiên của Hội nghị, liên quan đến đăng ký sản phẩm, thủ tục xuất nhập khẩu, quy trình hải quan, những thách thức của việc lưu hành sản phẩm trên thị trường, cụ thể là bao bì, nhãn mác, quảng cáo và các thách thức đối với doanh nghiệp châu Âu trong hoạt động kinh doanh hàng ngày như thuế, hải quan và quy trình cấp phép.
Băn khoăn về việc áp dụng không nhất quán Nghị định 36/2016/NĐ-CP và Nghị định 169/2018/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế, đại diện Tiểu ban Trang thiết bị y tế và chẩn đoán thuộc EuroCham nêu, theo Nghị định 36 và Nghị định 169, việc phân loại trang thiết bị y tế được thực hiện bởi cơ sở đã công bố đủ điều kiện phân loại trang thiết bị y tế, còn Bộ Y tế không thực hiện phân loại. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan hải quan vẫn căn cứ vào khoản 8, Điều 1, Thông tư 26/2015/TT-BTC (hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế) và yêu cầu doanh nghiệp cung cấp xác nhận của Bộ Y tế cho trang thiết bị y tế nhập khẩu.
Theo đó, doanh nghiệp phải cung cấp xác nhận của Bộ Y tế để được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% cho thiết bị chuyên dùng, vật tư hóa chất xét nghiệm, diệt khuẩn dùng trong y tế không được đề cập tại Thông tư 26/2015/TT-BTC và Thông tư 83/2014/TT-BTC (hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng theo danh mục hàng hóa nhập khẩu Việt Nam).
Do đó, nhiều mặt hàng trang thiết bị y tế nhập khẩu theo Nghị định 36 và Nghị định 169 được phân loại là trang thiết bị y tế hiện nay không được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%.
Để tháo gỡ những vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp khi nhập khẩu trang thiết bị y tế, Tiểu ban này kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan thống nhất thực hiện phân loại và xác nhận trang thiết bị y tế theo hai Nghị định trên, áp dụng một mức thuế suất chung cho các mặt hàng là trang thiết bị y tế; sửa đổi Thông tư 26/2015/TT-BTC quy định về thuế suất thuế giá trị gia tăng cho trang thiết bị y tế để phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật khác của Chính phủ và Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, Tiểu ban Trang thiết bị y tế và chẩn đoán của EuroCham cũng nêu lên thực tiễn triển khai vẫn có nhiều trường hợp cơ quan hải quan yêu cầu doanh nghiệp cung cấp thông tin về nhà sản xuất thực tế trên nhãn gốc. Điều này là không hợp lý với quy định pháp luật tại Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Trong quá trình thông quan hàng hóa, nhiều trường hợp cơ quan hải quan yêu cầu doanh nghiệp mở bao bì ngoài của sản phẩm để kiểm tra thực tế hàng hóa mặc dù bao bì ngoài đã có đầy đủ các thông tin cần thiết của sản phẩm. Việc mở bao bì có thể ảnh hưởng đến chất lượng của trang thiết bị y tế sau khi thông quan. Để đảm bảo công tác hành chính của cơ quan hải quan, đồng thời giảm thiểu rủi ro về ảnh hưởng chất lượng sản phẩm trang thiết bị y tế sau khi thông quan, phía EuroCham đề nghị các cơ quan hải quan nghiên cứu áp dụng việc kiểm tra hàng hóa bằng các thiết bị soi, chiếu.
Ông Nguyễn Tử Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị-Công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, việc xác nhận trang triết bị y tế nhập khẩu thực hiện theo Thông tư 26 của Bộ Tài chính. Bộ Y tế đã họp với Bộ Tài chính về sửa đổi Thông tư này theo kiến nghị của EuroCham, tuy nhiên Thông tư liên quan đến nhiều lĩnh vực khác, hai bên sẽ phối hợp để sửa đổi trong thời gian tới.
Về việc cơ quan hải quan yêu cầu doanh nghiệp phải ghi tên tổ chức, cá nhân sản xuất trên nhãn gốc khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa, ông Nguyễn Tử Hiếu đề nghị EuroCham làm việc với Tổng cục Hải quan để hướng dẫn các cơ quan hải quan thông quan hàng hóa theo đúng quy định, áp dụng nhãn hàng hóa đối với trang thiết bị y tế.
Thống nhất với kiến nghị của doanh nghiệp về áp dụng việc kiểm tra hàng hóa bằng các thiết bị soi, chiếu, ông Nguyễn Tử Hiếu cho biết sẽ phối hợp với Tổng cục Hải quan để xem xét, vừa tạo thuận lợi nhưng cũng vừa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nói thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, việc xác nhận trang triết bị y tế nhập khẩu thực hiện theo Thông tư 26 là không cần thiết, tạo thủ tục rườm rà, phải bỏ nội dung này.
Nêu quan điểm của Tổng cục Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, việc ghi thông tin nhà sản xuất trên nhãn gốc, hiện cơ quan hải quan thực hiện đúng theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.
Còn đối với việc mở hàng để kiểm tra và soi chiếu, ông Thành khẳng định, “việc kiểm tra ở hải quan nước nào cũng vậy, trong trường hợp hàng hóa phải kiểm tra, khi mở lô hàng ra thì phải mở đến sản phẩm, không có chuyện mở ra nhìn thấy bao bì lại đóng lại và kiểm tra xong, phải trả lời cho nhà nước là họ đã nhập cái gì.” Ông đồng tình với kiến nghị của EuroCham về tăng cường sử dụng soi, chiếu.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bày tỏ, vừa qua, Việt Nam đã có những bước cải cách rất mạnh mẽ trong hoạt động thông quan hàng hóa, áp dụng hậu kiểm thay vì tiền kiểm, hàng hóa thông quan luồng xanh (miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ và miễn kiểm tra thực tế hàng hóa) nhiều, luồng đỏ (phải kiểm tra chi tiết hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa) còn rất thấp, nhưng có thực tế là doanh nghiệp lợi dụng luồng xanh, cho cả ma túy vào bắp cải để đưa vào Việt Nam, do vậy, bắt buộc phải kiểm tra ngẫu nhiên.
“Trong cải cách luôn có bất cập. Một mặt chúng tôi phải cải cách, nhưng một mặt phải đảm bảo vấn đề về an ninh quốc gia, trật tự xã hội,” Bộ trưởng nói. Ông mong muốn các doanh nghiệp thành viên tiếp tục có đóng góp, hiến kế để cải cách, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn./.