Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26) được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 18-21/1/2018.
Nhân dịp này, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của Trưởng Tiểu ban Thông tin-Tuyên truyền (APPF - 26), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng với chủ đề “Quan hệ đối tác vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững.”
Cách đây 25 năm, ngày 15/3/1993, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) đã được thành lập với mục tiêu xây dựng lòng tin giữa nghị viện các nước trong khu vực thông qua việc tăng cường các cuộc đối thoại giữa các nghị sỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, qua đó đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.
Vào thời điểm đó, xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ đòi hỏi nghị viện các nước trong khu vực ngày càng phải phát huy vai trò tích cực hơn trong việc xem xét, ban hành các quyết định của mình liên quan đến chính sách đối ngoại. Bên cạnh đó, do sự thay đổi trong xã hội, người dân ngày càng quan tâm đến vai trò của nghị viện trong hoạt động đối ngoại bởi những chính sách, luật pháp do nghị viện các nước trong khu vực quyết định có những ảnh hưởng to lớn đến đời sống của người dân những nước láng giềng đồng thời, sự phát triển của xã hội đòi hỏi các nghị sỹ cần phải có sự tương tác trực tiếp với những người đồng nghiệp của mình để tăng cường đối thoại, nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau trong việc thực hiện vai trò của nhà lập pháp.
[APPF-26: Phát huy kết quả của Tuần lễ APEC trên kênh nghị viện]
Từ thời điểm đó cho đến nay, APPF ngày càng trở thành một diễn đàn liên nghị viện quan trọng với sự tham gia của 27 Nghị viện thành viên, trong đó có nhiều nước lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Canada, Australia… Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng như hiện nay, cùng với Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn APPF ngày càng thể hiện vai trò là một cơ chế đối thoại, hợp tác quan trọng giữa các nước trong khu vực, thể hiện ở một số điểm chính như sau:
Thứ nhất, nghị viện là cơ quan đại diện thể hiện trực tiếp ý kiến của cử tri và từ đó có thể trao đổi, đối thoại với cơ chế hợp tác liên chính phủ để bảo đảm rằng ý kiến của công chúng được tính đến trong việc triển khai chính sách đối ngoại. Do vậy, cơ chế hợp tác trong APPF góp phần mở rộng đáng kể tính chính thức của chính sách đối ngoại của các nước; đóng vai trò là nơi thể hiện các nguyện vọng và quan điểm của cử tri về các vấn đề chính sách cụ thể.
Thứ hai, Diễn đàn APPF là nơi để nghị sỹ các nước trong khu vực có thể gặp nhau, thảo luận, tìm kiếm những cách tiếp cận mới để xử lý những vấn đề đang được các quốc gia trong khu vực quan tâm hoặc có những điểm khác biệt mà chính phủ các nước khó có thể xử lý qua những kênh hợp tác khác. Trong bầu không khí thân tình, thông qua các cuộc trao đổi thẳng thắn, thông qua cơ chế của APPF, các nước trong khu vực có thể tìm được các giải pháp hợp tác phù hợp.
Thứ ba, sự tham gia sâu hơn của nghị viện vào các vấn đề quốc tế được xem như là một phần tất yếu của toàn cầu hóa. Ngày càng nhiều vấn đề yêu cầu các nghị viện phải xem xét có nguồn gốc từ sự phát triển của các mối quan hệ quốc tế. Thực tế cho thấy, việc mở rộng và đẩy mạnh hoạt động đối ngoại của chính phủ các nước trong các tổ chức quốc tế cũng đặt ra vấn đề cần tăng cường vai trò của các tổ chức liên nghị viện để vừa hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động đối ngoại, vừa tăng cường hoạt động giám sát.
Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của sự gắn bó giữa Việt Nam với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong hơn 20 năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào các quan tâm chung của Diễn đàn. Tiếp nối ngay sau thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC-2017, trong những ngày đầu năm 2018 này, Quốc hội Việt Nam là chủ nhà của Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương.
Việc Quốc hội nước ta đăng cai tổ chức APPF-26 là triển khai tích cực chủ trương, đường lối đối ngoại đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra, đó là: “thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.”
Việc đăng cai và tổ chức APPF-26 là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV, góp phần làm nổi bật thành tựu ngoại giao của Nhà nước ta. Hội nghị cũng sẽ là dịp để tăng cường ngoại giao song phương giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là lần thứ 2 Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị thường niên APPF sau lần đầu tiên là Hội nghị lần thứ 13 tại Hạ Long vào tháng 1/2005, thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam trong APPF, truyền tải mạnh mẽ thông điệp và hình ảnh Quốc hội đổi mới, năng động, tích cực và trách nhiệm trong bạn bè quốc tế.
Hội nghị APPF-26 lần này có sứ mệnh quan trọng trong việc định hướng cho các nghị viện thành viên APPF về một Tầm nhìn cho APPF, một tương lai chung cho tất cả mọi thành phần với sự đóng góp và sáng tạo của các nghị viện thành viên nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho các quốc gia và mọi người dân. Với chủ đề chung của Hội nghị là “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng bền vững,” nghị sỹ các nước châu Á-Thái Bình Dương sẽ thảo luận các định hướng cho Diễn đàn trên những vấn đề then chốt sau:
Thứ nhất, thúc đẩy ngoại giao nghị viện vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới. Các nghị sỹ sẽ nêu những vấn đề quan trọng, nổi bật liên quan tới hòa bình, an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương như tình hình bán đảo Triều Tiên, tình hình an ninh hàng hải, vấn đề an ninh mạng… trong đó tập trung vào các giải pháp nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, nhấn mạnh vai trò trọng tâm của ngoại giao nghị viện.
Liên quan đến chủ đề này, Hội nghị cũng sẽ trao đổi về đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia. Các nghị sĩ sẽ thảo luận, đánh giá lại tình hình hiện nay, nhất là nỗ lực chung chống chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia. Các nghị sỹ có một vai trò quan trọng khi là cầu nối giữa người dân và chính quyền, do đó có thể góp phần đẩy lùi tội phạm, bạo lực và chủ nghĩa khủng bố thông qua nâng cao chất lượng luật, giám sát thực thi các chính sách bảo đảm đối xử bình đẳng giữa mọi người dân, nêu cao tinh thần đối thoại, hợp tác cũng như nguyên tắc pháp quyền và các cam kết quốc tế có liên quan.
Thứ hai, Hội nghị sẽ nghe thông báo về Kết quả của Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017, thảo luận các nội dung hợp tác kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chia sẻ những quan điểm của Nghị viện và đóng góp vào nỗ lực của khu vực hướng tới mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư, hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững.
Các nghị sỹ cũng sẽ thảo luận về vai trò của nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; vấn đề an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số. Đây là những nội dung bám sát các nội dung quan trọng của Hội nghị Cấp cao APEC-2017. Các nghị sỹ sẽ phát biểu, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn từ vai trò của mình đối với các vấn đề như phát triển chuỗi giá trị toàn cầu, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy thương mại dịch vụ và đầu tư, loại bỏ các rào cản thương mại phi thuế quan, phát triển thương mại điện tử, nâng cao năng lực tham gia các FTA thế hệ mới, kết nối khu vực; đảm bảo an ninh lương thực thông qua những hành động, giải pháp cụ thể; kinh nghiệm trong hoạt động của nghị viện nhằm phát triển các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa.
Thứ ba, về các vấn đề hợp tác tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, các nguồn lực cho phát triển bền vững và đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực. Thông qua chức năng quyết định ngân sách, phân bổ ngân sách, nghị viện giữ vai trò quyết định thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Nghị viện phải tạo thuận lợi cho quy trình hoạch định, thực hiện và đánh giá mức đóng góp tài chính của mỗi quốc gia nhằm thúc đẩy những bước tiến trong mức độ đóng góp tài chính quốc tế hiện nay đối với mục tiêu ứng phó toàn cầu đối với biến đổi khí hậu trong bối cảnh phát triển bền vững. Các nghị sỹ cũng sẽ trao đổi, thảo luận những kinh nghiệm tốt trong hành động của nghị viện để nâng cao hiệu quả hợp tác về văn hóa và du lịch, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới và khu vực trở thành một thể kết nối toàn cầu, đa dạng về văn hóa, xã hội.
Thứ tư, thảo luận về những sáng kiến để nâng cao hiệu quả thực chất, vai trò của APPF đối với hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác vì phát triển bền vững và tăng trưởng cho tất cả ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong chủ đề này, các đại biểu cũng sẽ thảo luận về một số công việc khác của APPF như sửa đổi quy chế hoạt động APPF, trong đó có bổ sung về Hội nghị nữ nghị sỹ APPF.
Trong khuôn khổ hội nghị, cuộc họp Nữ Nghị sĩ APPF cũng sẽ tập trung vào chủ đề Thúc đẩy bình đẳng giới vì phát triển bền vững và thịnh vượng chung. Bình đẳng giới là mục tiêu số 5 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững và là một ưu tiên hàng đầu đối với mọi quốc gia, là một chuẩn mực để đánh về sự phát triển và tiến bộ xã hội. Nghị viện cần phải giữ vai trò then chốt ở cấp quốc gia và quốc tế trong việc thực hiện mục tiêu này. Điều quan trọng là phải khuyến khích các nữ nghị sỹ tham gia sâu hơn vào các phiên thảo luận, cùng hành động để thúc đẩy bình đẳng giới.
Cuối cùng, để kỷ niệm 25 năm hình thành và phát triển APPF, ghi dấu ấn một giai đoạn phát triển mới của APPF, Quốc hội Việt Nam đề xuất dự thảo Tuyên bố APPF Hà Nội – Tầm nhìn mới của quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương. Bản Tuyên bố sẽ đảm bảo tính kế thừa của APEC cũng như phù hợp với các Tuyên bố dấu mốc mà APPF đã từng thông qua để nhấn mạnh những cam kết của các nghị viện thành viên vì mục tiêu chung, lợi ích chung dựa trên những nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, sự đa dạng về thể chế chính trị, văn hóa, tôn giáo của nhau, nêu cao nguyên tắc pháp quyền và luật pháp quốc tế; thúc đẩy hợp tác khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên mọi lĩnh vực; nâng cao vai trò, vị trí của APPF trở thành một đối tác của APEC, ủng hộ APEC hiện thực hóa những cam kết trong APEC thông qua những chức năng chính của nghị viện là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề ngân sách.
Trong một thế giới toàn cầu hóa đầy biến động và một châu Á-Thái Bình Dương phát triển năng động, APPF ngày càng trở thành một diễn đàn liên nghị viện quan trọng. Trên cương vị chủ nhà của Hội nghị thường niên lần thứ 26 của APPF, Quốc hội Việt Nam có trọng trách cùng các nghị viện thành viên phát huy tối đa vai trò của APPF trong việc xúc tác, gắn kết các bên và thiết lập vị thế là một đối tác có tiếng nói tại các diễn đàn hợp tác đa phương khác trong khu vực và trên thế giới. Với việc đăng cai tổ chức APPF-26, Quốc hội Việt Nam mong muốn tiếp tục khẳng định chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, là bạn và đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, phấn đấu cùng nghị viện các nước thành viên APPF vun đắp cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương ổn định, năng động, gắn kết vì hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững. /.