Hội nhập quốc tế toàn diện gắn với các hoạt động đối ngoại

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát huy và nâng cao nội lực; tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược và nâng cao sức
Hội nhập quốc tế toàn diện gắn với các hoạt động đối ngoại ảnh 1(Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm/TTXVN)

"Để đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần tập trung tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, gắn kết chặt chẽ với các hoạt động đối ngoại nhằm tạo môi trường hòa bình và điều kiện thuận lợi để phát triển đất nước. Chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế phải trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi."

Đó là nội dung tại Thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về kết quả Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế vừa là cơ sở quan trọng, vừa là cơ hội để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; phát triển nhanh, bền vững; và là cơ hội để đất nước không bị rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Đây là nguyên tắc, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của hội nhập quốc tế.

Phát huy tinh thần “chủ động, tích cực" trong hội nhập quốc tế trên cơ sở phù hợp năng lực, điều kiện thực tiễn và hài hòa với lợi ích của đất nước. Chủ động, tích cực ngay từ khâu chuẩn bị để sẵn sàng đón nhận và tận dụng thời cơ. Trong quá trình triển khai, cần hết sức chú trọng phối hợp liên ngành nhằm tạo sự triển khai đồng bộ, nhất quán và hiệu quả nhất. Ban Chỉ đạo quốc gia và các Ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập quốc tế cần làm tốt công tác theo dõi, đôn đốc và điều phối.

Về hội nhập kinh tế, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát huy và nâng cao nội lực; tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong 2 năm tới cần tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính, thuế, hải quan, cải thiện hạ tầng... bằng những hành động thực tiễn cụ thể của từng ngành, từng cơ quan, bảo đảm thực hiện được mục tiêu trong năm 2016 đạt mức trung bình của ASEAN-4 trên một số chỉ tiêu chủ yếu theo thông lệ quốc tế. Chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp phù hợp với các cam kết quốc tế để bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.

Tập trung thúc đẩy hoàn tất các Hiệp định thương mại tự do FTA lớn phù hợp với yêu cầu gắn với mở rộng thị trường, tăng nhanh kim ngạch thương mại, hướng tới mục tiêu cân bằng thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, gắn thu hút đầu tư với giám sát quá trình thực thi, bảo đảm an ninh kinh tế, hiệu quả kinh tế-xã hội-môi trường.

Thông báo nêu rõ, về hội nhập về chính trị, an ninh, quốc phòng cần tiếp tục chủ động làm sâu sắc hơn các mối quan hệ và phát huy mạnh mẽ vai trò của đối ngoại đa phương, nhằm tăng cường lòng tin và đan xen lợi ích. Đẩy mạnh việc đóng góp có trách nhiệm và chủ động tham gia hình thành các sân chơi, luật chơi, hài hòa lợi ích của ta và mẫu số lợi ích chung.

Đặc biệt chú ý nội hàm hòa bình, ổn định ở khu vực, trên thế giới và nội hàm về phát triển bền vững - là hai nội hàm gắn bó với nhiều lợi ích quan trọng về an ninh và phát triển của đất nước. Chú ý vận động nắm giữ và thực hiện tốt các trọng trách quốc tế, chuẩn bị để cử cán bộ có năng lực làm việc tại các tổ chức quốc tế; chuẩn bị thật tốt cho Năm APEC 2017.

Bên cạnh đó, cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết 28 của Ban chấp hành Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và Chỉ thị 46 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới. Tập trung thúc đẩy hợp tác quốc tế có trọng tâm, trọng điểm nhằm bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia, chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển; giữ vững an ninh trật tự trong nước; tranh thủ hội nhập để tiếp tục nâng cao năng lực bảo đảm an ninh, quốc phòng, năng lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình và xử lý những vấn đề quan tâm như an ninh biển, hậu quả chiến tranh, phòng chống tội phạm…

Hội nhập văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ cần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học và dạy nghề ngang tầm chất lượng và phù hợp với các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế; đẩy mạnh hội nhập về giao lưu hữu nghị nhân dân; phát triển du lịch quốc tế, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện; đẩy mạnh công tác vận động, tranh thủ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà nghiên cứu giỏi đóng góp cho quá trình hội nhập, phát triển của đất nước.

Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của địa phương, doanh nghiệp trong công tác hội nhập quốc tế; nâng cao vai trò của các Sở (Phòng) Ngoại vụ trong việc triển khai công tác hội nhập quốc tế tại các địa phương; nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác hội nhập quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục