Hội thảo quốc tế “Hà Nội 1.000 năm lịch sử” ở Pháp

Gần 100 học giả, nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử đến từ các trường đại học ở châu Á, châu Âu và Mỹ đã dự hội thảo về Hà Nội ở Pháp.
Gần 100 học giả, nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử Việt Nam đến từ các trường đại học ở châu Á, châu Âu và Mỹ tham dự  hội thảo quốc tế mang tên “Hà Nội 1.000 năm lịch sử,” diễn ra trong hai ngày 8-9/11, tại Bảo tàng quân đội, trung tâm thủ đô Paris, Pháp.

Với khoảng 20 báo cáo khoa học và nghiên cứu lịch sử Việt Nam, các nhà nghiên cứu khoa học và học giả Việt Nam cũng như nước ngoài đã nêu bật những nét đặc thù của Hà Nội xưa và nay; Hà Nội phát triển với những yếu tố nội sinh và ngoại sinh; Hà Nội với các công trình xây dựng theo kiến trúc kiểu Pháp như Nhà hát lớn, cầu Long Biên, khu phố cổ…

Các báo cáo khoa học, những hình ảnh và bộ phim thời sự tài liệu lịch sử được trình bày và trình chiếu tại hội thảo đã “giải mã” nhiều vấn đề của Việt Nam trong quá khứ, đặc biệt là sức mạnh và quyết tâm của Việt Nam trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Những người tham dự hội thảo có cơ hội tìm hiểu những điều còn chưa được biết nhiều về thủ đô Hà Nội-thành phố 1.000 năm tuổi, đang trong công cuộc đổi mới và mở cửa cùng những thách thức đối với Hà Nội trong giai đoạn hiện nay.

Đặc biệt trong khuôn khổ hội thảo, một hội nghị bàn tròn với chủ đề “Cái nhìn của người Pháp về Hà Nội, từ thủ đô chiến tranh đến thủ đô hòa bình,” dưới sự chủ tọa của ông Pierre Journoud thuộc Viện nghiên cứu chiến lược Trường quân sự Pháp, đã được tổ chức.

Những nhân chứng sống của sự hợp tác Pháp-Việt như bác sĩ ngoại khoa Jean Michel Krivine - người đã từng tham gia các chương trình hợp tác y tế với Việt Nam trong những năm 60 của thế kỷ trước, phóng viên Alain Wasmes từng làm việc tại Hà Nội năm 1975, Đại sứ Pháp tại Việt Nam từ năm 1989-1993 Claude Blanchemaison , Tổng Giám đốc Tập đoàn Prévoir của Pháp Bertrand Voyer cũng tham gia hội nghị.

Đánh giá ý nghĩa của hội thảo, ông Emmanuel Poisson, phó giáo sư Đại học Paris 7 chuyên nghiên cứu về lịch sử Việt Nam từ thế kỷ 15-17, cho rằng đây là một dịp tốt để các học giả và nhà nghiên cứu nhìn nhận và đánh giá đúng vai trò của Hà Nội. Thành phố này không chỉ là một trung tâm chính trị như nhiều người trước đây từng hiểu, mà còn có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, thương mại, các quan hệ đối tác và trên nhiều mặt đời sống xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục