Ngày 17/3, tại thủ đô Washington DC của Mỹ, Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức Hội thảo thường niên lần thứ 12 với chủ đề “Học tập hôm nay, lãnh đạo ngày mai.”
Tham dự cuộc hội thảo năm nay có Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, cựu Thượng nghị sỹ Mỹ Bob Kerrey, đại diện Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Fulbright Việt Nam, các học giả hàng đầu của Mỹ như giáo sư ngành khoa học tự nhiên Đại học Harvard Thomas Cabot và đông đảo các bạn du học sinh Việt Nam đang theo học tại Mỹ trong khuôn khổ chương trình đào tạo của VEF.
Trước đó, tại buổi lễ chào mừng hội thảo, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius đã có bài phát biểu và Thượng nghị sỹ John McCain gửi thư chúc mừng. Tiếp nối các sự kiện kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Mỹ, Hội thảo thường niên năm 2016 của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) được tổ chức nhằm tổng kết và đánh giá những đóng góp thiết thực trong lĩnh vực giáo dục nói chung và đào tạo về khoa học-công nghệ nói riêng tại Việt Nam.
Hơn 140 sinh viên-nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học trong các trường đại học trên khắp nước Mỹ đã dự hội thảo và chia sẻ kinh nghiệm qua các bài tham luận.
Cuộc hội thảo bao gồm các phiên thảo luận chính như “Việt Nam: Thách thức và Cơ hội trong 5 năm tới,” “Các con đường dẫn tới thành công của VEF” hay “Chiến lược tìm kiếm cơ hội đào tạo trong các lĩnh vực khoa học công nghệ”…
Phát biểu tại cuộc hội thảo, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia phát triển như Mỹ sẽ giúp các sinh viên, doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng trong phát triển khoa học-công nghệ, nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng nhất, không chỉ cho khoa học mà cho cả sự phát triển của quốc gia. Trong 14 năm hoạt động, VEF đã xây dựng một mô hình chương trình học bổng hiệu quả giúp lựa chọn được những sinh viên xuất sắc nhất theo học tại Mỹ.
Với thực tế ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là những thách thức sau khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam rất cần những nhà khoa học-học giả giỏi từng có thời gian học tập và làm việc tại những nước phát triển như Mỹ để cống hiến cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh, hình thành và phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá hợp tác giáo dục-đào tạo; trong đó có đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, là một trong những lĩnh vực hợp tác chủ chốt trong mối quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Mỹ. VEF đã trở thành cầu nối cho quan hệ hữu nghị Việt Nam-Mỹ, đặc biệt là thời gian đầu sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
VEF là quỹ giáo dục được khởi xướng năm 2003 thông qua một đạo luật của Quốc hội Mỹ với mục đích cấp học bổng cho sinh viên từ Việt Nam sang Mỹ theo học cấp thạc sỹ, tiến sỹ và đưa các giáo sư, học giả Việt và Mỹ đến nghiên cứu, giảng dạy tại các đại học của hai quốc gia.
Đây cũng là một chương trình độc lập của Chính phủ Mỹ nhằm thúc đẩy quan hệ với Việt Nam thông qua trao đổi giáo dục và đào tạo, nhất là trong lĩnh vực khoa học- công nghệ, y học, toán học và môi trường./.