Hơn 100 tỷ đồng xây đường cơ động đảo Thổ Chu

Công trình đường cơ động đảo Thổ Chu, Kiên Giang có chiều dài hơn 5,2km, chiều rộng nền đường 6,5m và chiều rộng mặt đường 3,5m.
Ngày 10/12, tỉnh Kiên Giang khởi công xây dựng đường cơ động tại đảo Thổ Chu, xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc và Đền tưởng niệm các liệt sỹ và gần 500 người dân ở xã đảo này bị Khmer Đỏ thảm sát ngày 1/5/1975.

Công trình đường cơ động đảo Thổ Chu có tổng vốn đầu tư hơn 102,6 tỷ đồng với tiêu chuẩn thiết kế cấp V - đường miền núi. Tổng chiều dài toàn tuyến hơn 5,2km, chiều rộng nền đường 6,5m và chiều rộng mặt đường 3,5m; kết cấu áo đường bêtông ximăng, vận tốc thiết kế 30 km/giờ.

Sau khi đưa vào sử dụng, công trình đường cơ động đảo Thổ Chu sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của xã đảo Thổ Châu, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân trên đảo.

Mặt khác, tuyến đường sẽ đấu nối với hệ thống phòng thủ của đảo, giúp nâng cao sức sẵn sàng chiến đấu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuần tra quanh đảo, góp phần củng cố an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc vùng biên giới hải đảo phía Tây Nam của Tổ quốc.

Cũng trong ngày 10/12, tại đảo Thổ Chu, Ủy ban Nhân dân huyện Phú Quốc tổ chức động thổ xây dựng Đền tưởng niệm các liệt sỹ và gần 500 người dân ở xã đảo Thổ Châu bị Khmer Đỏ thảm sát ngày 1/5/1975. Đền tưởng niệm có vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng do huyện Phú Quốc, nhân dân xã đảo, các doanh nghiệp đóng góp xây dựng.

Ngôi đền vừa là nơi lưu giữ chứng tích tội ác dã man của Khmer Đỏ thảm sát đồng bào trên đảo, vừa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân xã đảo có nơi tưởng niệm, hương khói, thờ cúng những người đã mất; đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng tốt đẹp, lòng yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc 30/4/1975, đảo Thổ Chu lại phải đương đầu với họa diệt chủng của Khmer Đỏ. Lợi dụng vị trí đảo xa bờ, quân giải phóng chưa kịp ra tiếp quản đảo nên ngày 1/5/1975, bọn phản động Pol Pot, Ieng Sary phản bội lời thề đưa quân Khmer Đỏ tràn qua chiếm đảo. Chúng bắt toàn bộ 60 hộ gia đình, với gần 500 người đang sinh sống trên đảo đưa xuống tàu và giết hại dã man.

Ngày 24/5/1975, lực lượng hải quân đánh bộ của Việt Nam đánh chiếm lại đảo, tiêu diệt toàn bộ quân địch, quần đảo Thổ Chu được giải phóng và đây cũng chính là ngày kỷ niệm truyền thống lịch sử hàng năm của Đảng ủy, quân và nhân dân xã đảo Thổ Châu.

Thổ Chu là một quần đảo gồm 8 đảo nằm ở cực Tây Nam đất nước, với tổng diện tích gần 14 km2. Trong đó, đảo Thổ Chu lớn nhất, khoảng 10 km², còn lại là các đảo như Hòn Đứng, Hòn Nhạn, Hòn Keo Ngựa, Hòn Khó, Hòn Từ, Hòn Cao Cát và Hòn Mô. Vùng biển này giàu tài nguyên khoáng sản, trữ lượng hải sản phong phú, đa dạng như: tôm, cá, mực, hải sâm, đồi mồi./.

Hoàng Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục